-“Các vụ tai nạn giao thông đường thủy nguyên nhân chính là do lỗ hổng trong quản lý người lái phương tiện, phao tiêu biển báo. Trách nhiệm này là của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, qua kiểm tra thực tế về công tác đào tạo thuyền viên tại 13 tỉnh ở ĐBSCL - khu vực chiếm 60% vận tải thủy - cho thấy đa số người lái không có bằng lái, chứng chỉ, cho học lại không chịu đi.

Cục trưởng Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cũng nêu thực tế, hiện nay cả nước có 80.000km sông kênh trên toàn quốc, trong đó có 6.500km sông trung ương, trong khi toàn ngành đường thủy, tính cả Cục trưởng và công nhân chỉ có 2.000 người.

Như vậy, tính ra một cán bộ đường thủy phụ trách đến 3km sông cũng là thách thức.

{keywords}
Lỗ hổng trong quản lý phương tiện, người lái  là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng.

Liên quan đến các vụ tai nạn đường thủy xảy ra thời gian qua, ông Giang cho biết, dù đã lường trước và rà soát nhiều nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý ngành.

Chẳng hạn, sổ thuyền viên, giấy chứng nhận chứng chỉ thuyền viên khi tàu đến bến, cảng phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nhưng hiện nay lại quy định chủ phương tiện được quyền tự khai báo thuyền viên, người lái.

Do vậy, khi kiểm tra Cục Đường thủy chỉ kiểm tra trên sổ sách, giấy tờ thuyền viên mà chủ phương tiện khai báo nên không thể xác minh, kiểm soát được thuyền viên có đi con tàu đó không.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tàu ra vào ngay tại bến, dù lực lượng cảng vụ làm tương đối tốt nhưng ngành đường thủy gần với đời sống dân sinh, có đặc thù là vùng khó tiếp cận xử lý vi phạm.

“Vụ sà lan đâm cầu Ghềnh, chủ phương tiện lấy hàng ở các mỏ trái phép. Lực lượng cảng vụ không được hoạt động trên các bến bãi không phép này vì theo quy định, lực lượng cảng vụ chỉ hoạt động quản lý Nhà nước tại các cảng nội địa, bến bãi.

Thanh tra giao thông đường thủy chỉ kiểm tra khi tàu dừng lại (kiểm tra tĩnh), còn tàu đang lưu thông trên luồng lại thì việc tuần tra, kiểm soát thuộc chức trách của lực lượng CSGT thông đường thủy”, ông Giang nêu bất cập trong quản lý từ vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói rõ, hoạt động quản lý Nhà nước hiện vẫn chưa thể “vươn tay” đến tất cả con sông có vận tải đường thủy một phần chính là do “lỗ hổng” trong quản lý thuyền viên, phương tiện, cảng bến...

Cục Đường thủy phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện, doanh nghiệp vận tải vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là đưa tàu cỡ lớn lưu thông trên tuyến có cấp kỹ thuật nhỏ hơn, như thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Vũ Điệp