- Nhiều ĐBQH lo lắng trước việc BHXH Việt Nam đem trên 70% số tiền kết dư cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước vay với lãi suất thấp.

{keywords} 

Ảnh minh họa: Bình Minh

Nợ "khó đòi"

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước tính đến hết năm 2012, số kết dư quỹ BHXH là 221.019 tỷ đồng (đã trừ phần quỹ BHYT), được đầu tư bằng các hình thức: Cho ngân sách nhà nước vay (55,22%); cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay (24,72%); mua trái phiếu Chính phủ (18,19%); cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay (0,15%); cho Ngân hàng chính sách xã hội vay (0,10%).

Năm 2012, BHXH Việt Nam cũng cho công trình thủy điện Lai Châu vay 2.248 tỷ đồng, đưa tổng số vay lên 3.748 tỷ đồng (chiếm 1,6% tổng số kết dư).

Tỷ lệ lãi suất bình quân mà BHXH cho các tổ chức trên vay ở mức khoảng 10,4%.

Trước những con số này, trong phiên thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2012 của UB Các vấn đề xã hội chiều 16/4, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo ngại về khả năng đòi được “nợ” từ các tổ chức này.

Hiện có những dự báo về việc quỹ BHXH sẽ vỡ vào năm 2023-2024 nếu tiếp tục duy trì tình trạng đầu vào và đầu ra mất cân đối như hiện nay (hiện số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân là 0,3 triệu người/năm, số nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH lớn gấp đôi: 0,6 triệu người/năm).

Ông Phạm Minh Huân - Th trưởng Bộ LĐ-TB-XH - lo lắng về tình trạng “khó đòi” sau khi cho vay từ số kết dư quỹ BHXH.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội dẫn chứng: Kết quả kiểm toán quỹ BHXH tính đến 31/12/2011 cho thấy công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) còn nợ BHXH Việt Nam số gốc là 787 tỷ 500 triệu đồng và lãi là 264,6 tỷ đồng.

Cho đến nay, số chưa đòi được còn rất lớn và nguy cơ khó trả đang nằm trong tầm tay.

Thiết lập an sinh lương hưu

Nhấn mạnh quỹ BHXH là tiền do người lao động đóng góp, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết cơ quan giữ tiền cho người lao động thì phải làm thế nào cho quỹ an toàn, hiệu quả trong dài hạn.

Hiện nay, với tình hình mà BHXH Việt Nam báo cáo thì có thể thấy lãi suất thấp hơn lạm phát, chi phí quản lý luôn có xu hướng gia tăng. Do đó, cần xem lại các khoản đầu tư. Các khoản cho vay không khác gì “gửi tiết kiệm với lãi suất thấp” mà BHXH Việt Nam đang thực hiện chưa hẳn đã an toàn.

“Cách an toàn nhất cũng chưa chắc là an toàn. Chúng ta đã có bài học về việc cho công ty tài chính của một ngân hàng nhà nước lớn nhưng cuối cùng khả năng hoàn trả của họ là có vấn đề”, bà Mai nói.

Với sự dịch chuyển cơ cấu lao động, trong đó thành phần lao động trong tương lai dự báo chiếm đến 50% là trí thức, một câu hỏi được đặt ra là họ sẽ sống thế nào nếu quỹ BHXH không hoạt động tốt? Bà Mai cho rằng BHXH phải nhận thức sâu sắc về trụ cột an sinh trong tương lai cho người lao động.

Về vấn đề an toàn và cân đối quỹ, bà Mai nhấn mạnh vai trò của hội đồng quản lý quỹ: “Hội đồng này phải bao gồm nhiều thành phần để giám sát quỹ công khai minh bạch, quyết định thu chi của quỹ luôn trong 1 năm. Đây là tiền của người lao động, họ đóng góp để đảm bảo an sinh sau này. Hội đồng này cần chịu trách nhiệm xem đầu tư vào đâu để hiệu quả và phải chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình”.

Cẩm Quyên

Các tin liên quan

Nới tuổi hưu: Sợ vỡ quỹ BHXH là ngụy biện

Trẻ còn thất nghiệp, sao nới tuổi hưu?

'Được' hay 'bị' về hưu?

Tăng tuổi hưu có lợi ích nhóm không?