- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không thỏa mãn tính khả thi của dự án luật Việc làm của Chính phủ trình khi mới chỉ tiếp cận ở góc độ hỗ trợ, dịch vụ việc làm chung.

Dự án luật Việc làm là nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 11/4. Dự án này cho dù đã được chỉnh sửa sau những phiên họp trước, đến phiên họp này vẫn bị nhiều thành viên phê về tính khả thi chưa cao.

Mới thấy lao động chân tay

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ, Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay đối tượng điều chỉnh của luật người lao động đủ 15 tuổi trở lên, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc làm.

Nhưng những quy định thiên về nhấn mạnh đối tượng "yếu thế" nổi trội như người lao động ở vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người, không được đào tạo, mất việc làm vì suy giảm kinh tế, người khuyết tật....

Trong khi đó, cơ chế tạo việc làm thu hút người giỏi, lao động trí óc cao thì không được đề cập. "Phải chăng luật chỉ ưu tiên quan tâm đối tượng yếu thế mà không quan tâm thu hút lao động giỏi, được đào tạo ở quốc tế về" - ông Dũng nêu và chỉ ra thực trạng khu vực công đang ngày càng chảy máu nhân lực chất xám nhiều.

{keywords}
Dự án luật Việc làm tiếp tục được yêu cầu chỉnh sửa để khả thi.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình, đã là việc làm thì phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng mọi đối tượng, thành phần. "Đọc xong dự án luật chỉ có cảm tưởng ở đây phục vụ đối tượng lao động chân tay. Còn không thấy lao động trí óc đâu!" - ông nói và kiến nghị xem lại tính khả thi trong thiết kế quy định.

Hai ông cho rằng, bên cạnh tính ưu việt, nhân văn của cơ chế, để dự án luật khả thi, cần đảm bảo quy định việc làm phải góp phần thúc đẩy xã hội, trong đó có thu hút người tài giỏi.

"Đào tạo không thì mất việc như chơi"

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không thỏa mãn tính khả thi của dự án luật khi mới chỉ tiếp cận ở góc độ hỗ trợ, dịch vụ việc làm chung.

Dẫn bài học thực tiễn khi kinh tế suy giảm, ông chỉ ra không ít doanh nghiệp thất bát phải sa thải lao động. Lao động có người tạm thời, có người mất trắng việc làm. Đến khi doanh nghiệp hồi phục lại phải chật vật tuyển dụng.

Theo ông, không thể bắt lỗi doanh nghiệp khi họ buộc phải cơ cấu lại. Người thất nghiệp thì thiệt thòi. Vậy dự án luật trong những quy định khả thi của mình cần phải làm gì để hỗ trợ cả người lao động và doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn như vậy? Người lao động thất nghiệp thì phải làm thế nào có cơ chế hỗ trợ có việc trở lại?

Ông đòi hòi cơ quan soạn thảo phải nhấn mạnh đào tạo liên quan việc làm. Thực tiễn ở thị trường Việt Nam, người lao động vào môi trường làm việc nào cũng đều phải đào tạo lại mà không thể sử dụng ngay.

Chủ tịch QH nêu vấn đề: cơ chế nào để đảm bảo sự ràng buộc đào tạo giữa bên sử dụng lao động với người lao động để người lao động không dễ bị "mất việc làm như chơi" khi có biến động, và bản thân doanh nghiệp đến khi cần vẫn có thể tái tuyển mà không mất thời gian?

"Rất nhiều ngành nghề xã hội cần đào tạo, hỗ trợ việc làm. Nhiều khi phải đào tạo từ cái nhỏ nhất, như nhân viên hành chính phải dạy từ cách cầm điện thoại, xưng hô trong điện thoại, chứ không thể nhấc điện thoại lên nói năng xấc xược. Đây không phải nô lệ công việc. Mà đó là văn hóa việc làm. Không có thì mất việc làm như chơi. Do đó việc làm phải gắn với đào tạo" - ông nhấn mạnh như yếu tố góp phần tạo việc làm bền vững.

Chủ tịch QH cũng dứt khoát luật về việc làm thì phải chỉ rõ đối tượng lao động làm việc cụ thể để có chính sách, quy định khả thi, thích hợp.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.

Ông chỉ ra đối tượng "không có quan hệ lao động" có tỷ lệ lớn ở khu vực nông thôn, nơi người lao động làm nông còn lớn. Trong chính sách giảm lao động nông thôn xuống còn 30%, chuyển đổi đưa vào các ngành lao động dịch vụ, công nghiệp khác thì luật điều tiết phải có cơ chế, quy định cụ thể để hỗ trợ.

Linh Thư