- Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự án luật Báo chí (sửa đổi và bổ sung). Thứ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi với VietNamNet xung quanh dự luật đang được trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Xin Thứ trưởng cho biết một số điểm mới trong dự án luật Báo chí hiện đang được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này?

Dự thảo luật Báo chí (sửa đổi bổ sung) trình Quốc hội lần này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của việc phát triển báo chí; đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin mà luật Báo chí năm 1999 không còn phù hợp, thiếu tính khả thi.

Có rất nhiều điểm mới trong luật Báo chí đang được thảo luận tại Quốc hội, nhưng tôi chỉ nói chung, tinh thần của dự luật này là tiến bộ. Đây là kênh hợp pháp, có hệ thống và trật tự cho việc phát triển của báo chí theo nhu cầu xã hội thông tin.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Thưa Thứ trưởng, những tiến bộ trong dự án luật Báo chí mà Thứ trưởng vừa đề cập đó sẽ mang lại lợi ích cụ thể gì?

Dự thảo luật Báo chí đang được Quốc hội thảo luận lần này bảo hộ mạnh mẽ cho cơ quan báo chí, nhà báo.

Cụ thể như báo chí có quyền tiếp cận thông tin, báo chí không bị kiểm duyệt, có quyền bảo vệ nguồn tin, bảo vệ trong tác nghiệp, một số loại hình báo chí và cơ quan báo chí được liên kết…

Đối tượng hưởng lợi khác là người đọc sẽ được thụ hưởng thông tin đa dạng hơn, phong phú hơn, được quyền phản biện trên báo chí…

Ở tầm vĩ mô hơn, báo chí hiện nay có sự ảnh hưởng rất quan trọng nên việc mở rộng quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích khác trong việc xây dựng một xã hội nhân văn, dân chủ, đóng góp nhiều cho lợi ích dân tộc và phát triển đất nước.

Lâu nay một số vấn đề chưa có trong luật như việc liên kết nhưng đã được các cơ quan báo chí thực hiện nhờ những văn bản dưới luật, xin Thứ trưởng cho biết khi được đưa vào luật thì có gì khác nhau không?

Khác nhau là nó được chính thức công nhận. Liên kết sản xuất nội dung trước đây thực hiện với báo nói, báo hình và nay sẽ có thêm báo điện tử.

Tôi khẳng định xã hội hoá là chủ trương đúng, mang lại nhiều nguồn lợi cho cơ quan báo chí và Nhà nước. Chủ trương này được khuyến khích và tạo điều kiện trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nó đã bộc lộ vấn đề xung đột lợi ích cần phải điều chỉnh, nhất là đối với báo hình.

Ngoài một số chương trình làm phong phú thêm nội dung, hữu ích với cộng đồng, nhiều chương trình khác đơn vị liên kết chỉ chạy theo lợi nhuận, thiếu trách nhiệm xã hội. Khán giả và báo chí đã từng kêu ca việc suốt ngày bị xem phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc, những phiên bản games show nhảm nhí, vong bản…

Luật cho phép liên kết những cũng tăng cường trách nhiệm đối với cơ quan báo chí thực hiện liên kết.

Với tư cách là đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng có gửi gắm gì với các cơ quan báo chí, nhà báo khi dự án luật Báo chí (sửa đổi bổ sung) đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua?

Tôi hy vọng luật Báo chí khi được thông qua sẽ là nền tảng cho sự phát triển báo chí mạnh mẽ trong thời gian tới. Báo chí Việt Nam sẽ bắt kịp xu hướng thời đại, đóng góp nhiều cho xã hội.

Đây là dự án luật quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực đối với cơ quan báo chí và nhà báo nên trong thời gian Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua, các cơ quan báo chí tiếp tục phân tích góp ý theo tinh thần khoa học, phản biện và mang tính xây dựng.

Trong thời gian thực hiện dự án xây dựng luật Báo chí này, chúng tôi đã mở rộng toàn diện các kênh góp ý cho bản dự thảo. Quyền lợi luôn đi với nghĩa vụ và trách nhiệm, vì thế các cơ quan báo chí cần phải tăng cường trách nhiệm, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong thời gian tới.

Tôi cũng hy vọng tình trạng lạm quyền như báo chí thay mặt toà án kết tội, xâm phạm đời tư, gây tổn hại danh dự tổ chức, cá nhân… là những nhóm vi phạm chính hiện nay sẽ bị xoá bỏ trong thời gian tới.

Cơ quan báo chí hoạt động dựa vào luật Báo chí sẽ có những phương thức ứng xử văn minh và tránh sử dụng những phương thức “rừng rú” như tình trạng lạm quyền hiện nay.

Mỹ Vân