Thảo luận dự án luật Đất đai tại Thường vụ QH chiều 14/12, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ban soạn thảo rút dự án về chuẩn bị kỹ hơn bởi vẫn còn nhiều khái niệm chung chung.

Khó đột phá

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, dự kiến ban đầu đến tháng 5/2013 mới trình dự án luật Đất đai sửa đổi, song do tính chất cấp thiết nên Chính phủ đã “đôn” lên sớm để QH thảo luận.

Tại kỳ họp QH vừa qua, đây cũng là một trong các luật được dành thời lượng bàn thảo nhiều nhất. Đa số ý kiến đều cho rằng ban soạn thảo cần chuẩn bị kỹ hơn, tránh tình trạng luật khung, luật ống. Thậm chí, cần xây dựng một bộ luật lớn. Trong khi đó, đây lại là dự luật có nhiều văn bản hướng dẫn nhất cho đến nay, hàng trăm văn bản.

“Chuyện đền bù, thu hồi, định canh định cư, cơ man nào là việc nhưng luật này vẫn chung lắm, chủ yếu dựa trên luật cũ thôi”, ông Hùng nhận xét. Các vấn đề khác như định giá, tư vấn độc lập, đấu giá… vẫn chỉ là những khái niệm chung chung, chưa giải đáp được đòi hỏi của cuộc sống.

Ông Hùng dẫn ra một số ví dụ về bất cập trong giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và nói thêm “theo ý tôi lần này làm phải cho ra được một bộ luật, ra được từng chương, từng mục cụ thể để đảm bảo khi ra là có thể thực hiện được. Vì thảo luận chưa kỹ, chưa thông nên giờ phải lấy ý kiến người dân. Nhất quyết chưa kỹ, chưa thông thì chưa cho ban hành”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Dự án luật này được chuẩn bị theo kiểu cắt khúc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chia sẻ rằng “đọc rất băn khoăn” và đang có tâm trạng giống như Chủ tịch QH.

“Khó khăn nhất vẫn là xung quanh việc định rõ thực chất đời sống xã hội liên quan đến đất đai”, ông Ksor Phước nói.

Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang phân bua, nếu xây dựng được một bộ luật thì sẽ hoàn chỉnh hơn nhưng cần thời gian mà xem ra với 6 tháng chuẩn bị sắp tới sẽ rất khó.

Trong khi đó, việc chuẩn bị luật Đất đai sửa đổi đã có thời gian tương đối lâu, từ 2010 (đến nay gần 3 năm), các vấn đề trao đổi thảo luận khá nhiều.

“Chúng tôi vừa làm vừa chuẩn bị tinh thần tiếp thu tốt nhất các nội dung NQ TƯ vừa qua. Về cơ bản, ý kiến đại biểu nêu có nhiều vấn đề nhưng có trùng lắp nhau, chỉ đề cập vấn đề lớn”, ông Quang giải thích.

Cũng theo ông Quang, các vấn đề Chủ tịch QH nêu cơ bản trong báo cáo giải trình đã đề cập, trả lời. Với tinh thần những vấn đề gì đã rõ thì cố gắng được luật hóa để sau này thực hiện tốt hơn, hạn chế giao Chính phủ có quy định cụ thể. Vấn đề thu hồi, bồi thường, tái định cư; giá đất xin tiếp thu, chỉnh thêm nhưng nếu đưa hết vào luật cũng rất khó.

“Còn nếu yêu cầu luật phải có tính đột phá thì phải thay đổi quan điểm về chủ sở hữu, điều này không đơn giản chút nào. Vẫn mong luật thông qua vào tháng 6 tới là tốt nhất”, ông Quang nói.

Chủ tịch QH hỏi thêm, ban hành luật bao lâu thì sẽ có nghị định hướng dẫn?

“Chúng tôi dự kiến xây dựng 5 nghị định tập trung vào những vấn đề rất cụ thể, chuẩn bị cùng với quá trình sửa luật”, ông Quang trả lời.

Làm luật kiểu… cắt khúc

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, đây có lẽ là dự án luật có những điều luât dài nhất từ trước đến nay. Còn để xây dựng thành bộ luật như ý kiến của Chủ tịch QH thì là cả một vấn đề khoa học.

Bà Phóng “hiến kế”, Chính phủ cần thảo luận thêm, tiếp thu, giải trình, những vấn đề còn vướng mắc.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thêm, dự án luật này được chuẩn bị theo kiểu cắt khúc. Cứ qua mỗi kỳ hội nghị Trung ương lại “ra” một khúc. Đọc toàn thể thì phần nhiều vẫn đang là luật khung, luật ống. Những câu lòng thòng, chung chung vẫn còn rất nhiều.

“Ông Quang (Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang) nói có 5 nghị định hướng dẫn sắp tới tôi chưa tin lắm. Ông Tụng (Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng) nói 400 văn bản hướng dẫn tôi cũng nghĩ chỉ khoảng 200 mà số đó đã to rồi. Bản thân dự thảo chưa đủ cụ thể. Tôi muốn nó phải chi tiết như một bộ luật để có thể cơ bản áp dụng được. Do tính hệ trọng của luật này ảnh hưởng đời sống của bao nhiêu triệu dân, cần chuẩn bị chu đáo hơn”, Chủ tịch QH chốt lại.

Ảnh minh họa: Minh Thăng

Ông Hùng yêu cầu ban soạn thảo chỉnh sửa dự án luật một cách khả thi, cụ thể. Sau đó báo cáo Thường vụ QH vào phiên họp khác và sẽ xem xét cả nghị quyết lấy ý kiến nhân dân.

“Trên cơ sở thảo luận lúc đó để thông qua luôn bản lấy ý kiến toàn dân chứ đưa ra bản này tôi ngượng lắm, vì đang bị 500 đại biểu QH phản ứng rồi, đưa ra toàn dân nữa thì không được”, ông Hùng giải thích.

Việc lấy ý kiến toàn dân sẽ bắt đầu từ tháng 2, thực hiện trong hai tháng và sẽ được Chính phủ chỉnh lý để trình QH biểu quyết vào kỳ họp tháng 5. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng khẳng định, nếu các ĐBQH vẫn chưa đồng thuận thì tiếp tục lùi đến kỳ họp tháng 10.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, bổ sung, “làm luật này chúng tôi cũng rất thận trọng. Nhưng có điểm vướng. Đó là Nghị quyết TƯ 6, riêng vấn đề giá đất ghi rất rõ là giao cho Chính phủ. Chúng tôi muốn ghi luôn vào luật nhưng nghị quyết đã nói thế, cơ quan soạn thảo cũng không thể đưa”.

Chốt phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm, trong số các nghị định đã chuẩn bị, cái nào đã rõ ràng thì nên đưa luôn vào luật. Chính phủ cũng sẽ có thêm 1 tháng chuẩn bị để trình lại Thường vụ vào tháng sau.

Lê Nhung