- Quan điểm xuyên suốt để sửa đổi vấn đề tiền lương trong Bộ luật Lao động là "đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".

Tiếp tục công bố lương tối thiểu ngành

Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, tiền lương là vấn đề cơ bản nhất có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người lao động và gia đình họ, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay.

Ảnh: Minh Thăng
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương được quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, vai trò quản lý của Nhà nước về tiền lương chủ yếu được thực hiện thông qua việc quy định các nguyên tắc, cơ chế để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đạt được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; hỗ trợ cho việc thương lượng giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động trong thỏa ước lao động tập thể về mức lương, hình thức trả lương, cơ chế trả lương và các điều kiện khác; hướng dẫn để quá trình thỏa thuận, thương lượng về tiền lương diễn ra đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thỏa thuận của các bên về tiền lương - báo cáo thẩm tra nêu.

Tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn.


“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc công bố mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế”, báo cáo phân tích.


“Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên, nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý”.


Tuy nhiên hiện nay, các điều kiện để xây dựng thỏa ước lao động tập thể ngành còn rất hạn chế, cần phải có thời gian để mở rộng dần. Vì vậy, UB Các vấn đề xã hội kiến nghị Nhà nước tiếp tục công bố lương tối thiểu ngành trong một thời gian cần thiết để bảo vệ cho người lao động trong một số ngành, nghề.


Chọn thời gian nghỉ thai sản

Theo UB Các vấn đề xã hội, xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 lên 6 tháng là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: Minh Thăng
Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội, Quỹ BHXH có thể cân đối được, song phải quan tâm đến các yếu tố khác như: tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ) để hài hòa lợi ích của cả hai bên, tác động đối với các nhóm phụ nữ làm công việc khác nhau và tác động chung đối với phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

UB Các vấn đề xã hội cho rằng nên quy định linh hoạt vấn đề này để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng.


Trên cơ sở đó, tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ từ 4 tháng đến 6 tháng phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.


Chung Hoàng

Kết quả thăm dò ý kiến tuần trước về lương công chức: