- “Chúng tôi cầu xin giúp đỡ. Con thuyền đang chìm dần. Không hề có áo phao", một thanh niên di cư kể lại sau khi may mắn sống sót qua biển Địa Trung Hải (ĐTH) và đến một trung tâm tiếp nhận của Italia.

LTS: Trong lúc truyền thông thế giới đổ dồn vào dòng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu qua ngả Hungary và Serbia, cuộc khủng hoảng này không phải là mới. Số lượng dân di cư và tị nạn qua vùng biển ĐTH năm nay đã lên tới hơn 300 ngàn người, trong đó 2.500 người bỏ mạng hoặc mất tích, theo Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).

Khi diễn biến với cả hai dòng người liên tục thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, cần nhìn lại khuôn khổ pháp luật đang định hướng, và có lúc trói buộc, phản ứng của EU với cuộc khủng hoảng này. VietNamNet giới thiệu loạt bài phân tích của Vũ Thị Hương Giang - Đại học Trung Âu (Budapest - Hungary): 

{keywords}

Theo LHQ, ĐTH năm ngoái đã chứng kiến cuộc vượt dòng của hơn 200 ngàn người di cư "hỗn hợp", những người có thể chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, khủng bố và đói nghèo ở nước họ. Trong số này, 3.500 người đã thiệt mạng. Như vậy, trong hai năm qua, mỗi ngày có trên dưới 10 người thiệt mạng trên vùng biển này.

Bỏ tiền giải cứu người tị nạn

Cuối năm 2014 chứng kiến sự chấm dứt của Mare Nostrum cũng như việc triển khai Triton. Mare Nostrum là chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của Italia đã cứu được gần 1.000 người di cư/tháng trên vùng biển ĐTH. Chính phủ Italia đã bỏ ra114 triệu euro cho chiến dịch này, cộng với 1,8 triệu euro do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ.

Triton là một chiến dịch chung của EU nhưng chỉ với ngân sách bằng 1/3 Mare Nostrum. Giữa hai chiến dịch vẫn chỉ là các tuyên bố mạnh mẽ của giới quan chức cấp cao nhất châu Âu, và đáng tiếc, vẫn là các quan điểm đối lập truyền thống của họ về người nhập cư nói chung và người tị nạn nói riêng.

Đối mặt với làn sóng người xin tị nạn chưa từng có, ngày 27/5/2015, EC đã thông qua Chương trình nghị sự châu Âu về di trú. Mặc dù được coi là cách tiếp cận toàn diện đầu tiên để "cải thiện vấn đề quản lý di trú" nhưng Chương trình này đặc biệt chú tâm vào giải quyết vấn đề cấp bách của làn sóng di cư trên biển - những người vượt qua ĐTH từ châu Phi để cố tìm đường đến châu Âu. Tuy không lường trước được làn sóng ồ ạt vào Hungary, các nguyên tắc và đề xuất trong Chương trình hiện vẫn có giá trị cập nhật nhất đối với toàn bộ vấn đề người tị nạn.

Để thực thi, Chương trình cần có sự phê chuẩn của đa số các nước thành viên. Phe cứng rắn bao gồm Anh một lần nữa có thể cản bước EU và các thành viên trong việc giải cứu những người di cư tuyệt vọng trên biển cũng như hiệu quả xử lý thủ tục xin tị nạn của họ sau đó.

Nhưng trong lúc tồn tại sự bất đồng bấy lâu giữa các nước thành viên về cách thức giải quyết vấn đề, thì thực tế so với trước, ngày càng có nhiều thành viên ủng hộ cách làm của EC, coi đó là bước tiến lớn.

Với lực lượng phòng vệ bờ biển Italia và Frontex - cơ quan kiểm soát biên giới EU đang điều hành chiến dịch Triton, danh sách cập nhật thường xuyên về số người di cư được giải cứu (và thiệt mạng) đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Thêm vào đó là các diễn biến chóng mặt ở Hungary cũng như các nước EU khác. Tất cả thông tin đó có thể khiến các cuộc thảo luận chính sách đi chệch hướng khỏi các giải pháp đúng đắn.

Vì thế, điều quan trọng cần hiểu là tại sao EU và các quốc gia thành viên cần giải cứu người di cư trên các vùng biển xa khơi cũng như vùng lãnh hải của họ, và liệu Chương trình này có thực sự cung cấp giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng hiện nay hay không.

{keywords}

Cứu người di cư vì cam kết ràng buộc

Tính đến nay, các văn bản pháp luật quan trọng nhất của châu Âu liên quan đến vấn đề người di cư trên biển bao gồm các công ước LHQ về nhân quyền, công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR), công ước người tị nạn năm 1951 được nghị định thư New York 1967 sửa đổi và công ước LHQ 1982 về Luật biển.

Trong đó, điều 2 của ECHR quy định: "Quyền được sống của tất cả mọi người được pháp luật bảo vệ". Quyền này trên biển có nghĩa là, mọi tàu thuyền dù của chính phủ hay cá nhân, đều cần hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Dù các chính phủ chỉ có bổn phận cứu hộ, không có nghĩa vụ tuần tra, nhưng hệ thống tuần tra giám sát hiện đại ngày nay, với các chính sách kiểm soát biên giới ngày càng chặt chẽ của các nước thành viên EU, khiến chuyện nhận diện các tàu cần cứu giúp, kể cả tàu tình nghi buôn người, không còn khó khăn.

Các quốc gia thành viên EU cũng cần tuân thủ nguyên tắc bất khả hồi (non-refoulement) của Công ước người tị nạn năm 1951. Theo đó nghiêm cấm việc trả người di cư lại nơi họ bị "đàn áp, tra tấn hay các tổn hại nghiêm trọng khác". Nó cũng nghiêm cấm việc trả lại các nước "nơi có nguy cơ chuyển tới nước ban đầu" - còn được gọi là khả hồi gián tiếp, và nghiêm cấm việc "đuổi ngược lại trên vùng biển xa khơi".

Nếu EU và các nước thành viên vẫn muốn được coi là "cái nôi của chủ nghĩa lý tưởng nhân quyền và nơi sản sinh ra nguyên tắc luật pháp", như lời của thẩm phán Tòa nhân quyền châu Âu trích trên tờ TeheranTimes, họ cần có bổn phận tuân thủ các nguyên tắc pháp lý của khu vực và quốc tế mà họ đã cam kết.

Những bổn phận này nói rằng họ cần phải cứu những người di cư và người xin tị nạn trên các vùng biển nói chung. 

Nhưng những người phản đối việc tìm kiếm, cứu nạn lập luận rằng, làm như vậy chỉ khiến người di cư có thêm nhiều động cơ để vượt biển tới châu Âu. Lập luận này cũng không khác gì so với một số lo ngại cho rằng việc Đức và Áo mở biên giới khẩn cấp để đón người di cư/tị nạn vào EU qua Hungary sẽ càng khuyến khích những người còn lại ở Syria và các vùng có xung đột khác tìm cách sang châu Âu.

Một trong những bên phản đối lâu nhất là chính phủ Anh, vốn có truyền thống chống lại các chính sách ủng hộ nhập cư với cùng một lập luận không ủng hộ việc Italia tiếp tục chiến dịch Mare Nostrum năm ngoái cũng như không có đóng góp đáng kể nào cho chiến dịch Triton của EU năm nay.

Tuy không phải là không có lý, nhưng các con số suốt vài năm qua đã chứng minh rằng dòng người di cư/tị nạn sang châu Âu vẫn sẽ ngày một tăng. Dữ liệu cho thấy, số người di cư qua ĐTH không hề sụt giảm khi chiến dịch tìm kiếm cứu nạn Mare Nostrum chấm dứt.

Từ chối cứu người đã không làm thay đổi thực tế rằng, nhiều người phải chạy trốn khỏi chiến tranh, khủng bố và nghèo đói. Họ vẫn làm vậy, họ vẫn di cư, dù có nhiều người bỏ mạng.

Vũ Thị Hương Giang - (Đại học Trung Âu, Budapest - Hungary) -  Thái An (biên dịch)

Kỳ sau: Phận người tị nạn: bưu kiện chuyền tay