- Cho phép mang thai hộ mở ra nhiều hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, thế nhưng các bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện vì gặp phải các tình huống rất tréo ngoe, khó xử.

Lấn cấn về thủ tục, lý – tình

Trong "Hội thảo về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ" do Bộ Y tế chủ trì, diễn ra tại TP.HCM ngày 31/3, các nhà chuyên môn, bệnh viện được thí điểm thực hiện kỹ thuật này đã có cơ hội bày tỏ vướng mắc của mình.

TS – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, kể từ khi được chọn là một trong 3 đơn vị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, bệnh viện Từ Dũ đã thành lập xong hội đồng khoa học, quy trình và đưa ra các chỉ định mang thai hộ cụ thể.

Bệnh nhân tới sẽ được sàng lọc, hướng dẫn tư vấn làm hồ sơ. Sau đó hồ sơ của bệnh nhân được bệnh viện hội chẩn, kiểm tra tính pháp lý rồi mới tiến hành kỹ thuật mang thai hộ.

“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định hồ sơ. Quy định yêu cầu mang thai hộ phải có đầy đủ giấy tờ về tư pháp. Vậy giấy tờ tư pháp ở đây là gì? Bệnh viện Từ Dũ đã gửi công văn qua Sở Tư Pháp TP.HCM hỏi nhưng tới nay chưa được câu trả lời.”, bác sĩ Tuyết nói.

{keywords}
Thứ Trưởng Bộ Y tế, GS - TS Nguyễn Viết Tiến chủ trì hội thảo. Ảnh: Thanh Huyền.

Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc, bất cập được bác sĩ Tuyết chia sẻ: “Luật cho phép mang thai hộ khi người phụ nữ không có tử cung. Phôi phải tạo ra từ noãn và tinh trùng của hai vợ chồng. Trong trường hợp trứng bị trục trặc không có con được, muốn nhờ mang thai hộ được không? Không thấy luật quy định điều này.”

Bác sĩ Tuyết còn dẫn chứng một trường hợp cho thấy quy định cặp vợ chồng có con chung không được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là chưa hợp lý.

Trong tình huống cặp vợ chồng đó đã có con nhưng đứa con bị bệnh lý về di truyền, dị tật. Họ mong muốn nhờ mang thai hộ để sinh thêm đứa con nữa, về mặt nhân văn điều này rất chính đáng.

Một tình huống khác làm các bệnh viện lúng túng, đó là người được nhờ mang thai hộ có chồng phải được sự đồng ý của chồng. Thế nhưng nhiều cặp sống như vợ chồng nhưng không có hôn thú. Xét về pháp luật cô vợ không cần phải có sự đồng ý của chồng nhưng làm vậy có được không? Nhỡ xảy ra phản ứng của anh chồng thì sao?

{keywords}
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết trình bày vướng mắc về mang thai hộ. Ảnh: Thanh Huyền.

Không chỉ thế, hàng loạt các câu hỏi được giới chuyên môn đặt ra như: việc chỉ thực hiện mang thai hộ cho người Việt Nam hoặc Việt kiều, còn người nước ngoài thì sao? Nhiều trường hợp thụ tinh ống nghiệm sinh đủ 2 con rồi nhưng vẫn còn thừa phôi, họ vẫn muốn chuyển phôi để đẻ thêm nữa, thế có vi phạm về kế hoạch hóa gia đình…

Cứ làm đúng luật và chức năng

Trước các thắc mắc nêu trên, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã có những giải thích chi tiết.

“Không có luật nào đảm bảo kín kẽ tuyệt đối được. Chính vì thế khi áp dụng vào thực tế thấy những điều chưa phù hợp chúng ta mới phải sửa đổi luật. Tuy nhiên, trước mắt ta cần tuân thủ, làm đúng theo luật quy định.”, TS Quang nói.

Ngoài ra, Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, xác định vấn đề người mang thai hộ có phải là thân thích, cùng họ hàng không phải việc của bệnh viện mà là việc của địa phương.

Nếu muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các cặp vợ chồng và người được nhờ mang thai hộ cần có đủ các giấy tờ xác nhận đóng dấu đỏ của UBND phường, xã nơi mình cư trú.

Trong trường hợp UBND phường, xã cấp sai thì trách nhiệm thuộc về họ.

Tiếp đến, luật hiện tại chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ đối với người Việt Nam và Việt kiều - các bệnh viện cứ theo quy định mà làm.

Đặc biệt, Bệnh viện Từ Dũ đưa ra trường hợp đã có con chung nhưng đứa con đó bị dị tật. Cặp vợ chồng này vẫn muốn được nhờ mang thai hộ nhưng luật lại chỉ cho phép các cặp vợ chồng chưa có con, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, sở dĩ quy định vậy là có nguyên do.

“Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người. Chúng tôi đã thảo luận, trăn trở rất nhiều mới đưa ra quy định như vậy. Một đứa trẻ sinh ra có tật nguyền cũng là con của cha, của mẹ, nó cần được bảo vệ, chăm sóc. Ta không thể vì đứa trẻ đó bị bệnh mà gạt ra rìa. Không cho phép vợ chồng đã có con chung thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là để bảo vệ quyền lợi cho con của họ.”, ông Hải nhận định.

Tương tự, các cặp vợ chồng không hôn thú, khi vợ muốn mang thai hộ có cần sự đồng ý từ ông chồng hay không, ông Hải nói rõ: “Không có giấy hôn thú thì về mặt pháp luật họ không phải vợ chồng. Trong trường hợp này người vợ không cần hỏi ý kiến chồng nhưng phải có giấy chứng nhận độc thân do địa phương xác nhận. Nếu có đầy đủ những giấy tờ như thế, dù ông chồng phản ứng cũng không ý nghĩa gì.”

Nhu cầu mang thai hộ tại Việt Nam rất lớn. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, diễn ra khi một phụ nữ tự nguyện (không vì mục đích thương mại) giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Luật mang thai hộ để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan và tránh các trường hợp mang thai hộ với mục đích thương mại, không muốn thực hiện thiên chức vì lý do sắc đẹp…

Theo ông Hải, đã có dự thảo đưa vào Bộ luật hình sự, khung phạt cao nhất với vi phạm mang thai hộ thương mại lên tới 7 năm tù.

Thanh Huyền