- ĐBQH cảnh báo thực trạng 6.500 trang web với tên miền ".vn" đã bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát. Trong đó, hầu hết xuất phát từ ngoài lãnh thổ. 90% người dùng điện thoại thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền.

>> Lập Cục An ninh mạng Bộ Công an

Góp ý dự thảo luật An toàn thông tin hôm nay, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề cập tình trạng nhiều thông tin bị đánh cắp ngoài ý muốn, thông tin có nguy cơ bị tấn công do sử dụng các thiết bị thiếu an toàn và việc phát tán thông tin sai lệch từ máy chủ đặt ngoài VN.

Mối nguy từ TQ?

Ông đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc của các thiết bị di động, máy tính và nhiều thiết bị thông minh khác có kết nối mạng chủ yếu xuất xứ từ TQ. Những lỗi phần cứng và phần mềm dính lỗ hổng bảo mật vô cùng nghiêm trọng và nhiều mã độc được cài có chủ đích cũng có nguồn gốc từ quốc gia này. 

ĐB cho rằng việc đòi hỏi người dùng phải thông minh và có trách nhiệm để tự bảo vệ thông tin của mình chẳng khác nào đánh đố. “Ai kiểm soát cho phép nhập khẩu và bày bán? Ai kiểm định các thiết bị có an toàn, có cài đặt mã độc hay không? Làm sao để kiểm tra, dán tem hợp chuẩn cho các thiết bị đã và đang lưu hành hiện nay?”, ĐB đặt câu hỏi.

{keywords}
ĐB Phạm Trọng Nhân

Ông lưu ý không thể làm ngơ cảnh báo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec khi cho rằng VN là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng Internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới.

“Mức độ nguy hiểm ở đây không bị đánh sập, không bị phá hoại công khai mà các phần mềm gián điệp, các mã độc có thể âm thầm kích hoạt để lấy thông tin và chuyển tải về máy chủ”, ông cảnh báo.

Theo ĐB tỉnh Bình Dương, đây là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có tài trợ của chính phủ các quốc gia đã và đang có nguy cơ xung đột chính trị với nước ta.

“Tấn công mạng diện rộng là nguy cơ diễn ra hàng giờ, hàng ngày và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Đặc biệt các mục tiêu nhắm đến hiện nay là hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương”, ông cảnh báo.

Cần cấm mạo danh trên mạng xã hội

ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) nêu thực tế nhiều người phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên với các loại thông tin biến dạng, lừa đảo trên mạng, phát tán mã độc hại, virus máy tính hay thư rác, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu.

Nữ ĐB cho hay, tính đến hết quý 3 năm 2014 đã có 6.500 trang web với tên miền ".vn" đã bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát. Trong đó, hầu hết các tấn công xuất phát điểm đều từ nguồn ở ngoài lãnh thổ. Có 90% người dùng thường xuyên bị các tin nhắn rác làm phiền.

Theo nữ ĐB Bắc Giang, hiện nay nhiều thông tin cá nhân bị kẻ xấu thu thập và khai thác trái phép. Người sử dụng điện thoại mỗi ngày phải nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn, quảng cáo sim, bất động sản… Hiện tượng này đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng chưa có biện pháp thích hợp để giải quyết. Bà đặt câu hỏi nhà mạng phải chịu trách nhiệm gì trước những tình trạng này.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đề nghị bổ sung một số hành vi cần nghiêm cấm như: giả mạo tên cá nhân, tổ chức để thành lập các trang mạng, block, facebook v.v... để đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, tổ chức bị giả mạo.

Mỗi lần vào mạng tôi thấy bất an

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng liệt kê hàng loạt các vụ xâm phạm thông tin trong năm 2014 của gần 6.000 trang web bị tấn công, chiếm quyền quản trị chỉnh sửa nội dung, hơn 400 trang trong dịp Quốc khánh 2/9 bị tin tặc nước ngoài chèn các nội dung xuyên tạc. Hay như đợt tấn công vào trung tâm dữ liệu của VCCorp khiến nhiều tờ báo bị tê liệt.

{keywords}
ĐB Nguyễn Phi Thường

Theo ông, để bảo vệ thông tin cá nhân, cần quy định rõ trách nhiệm từng bên, phải thống kê được các hành vi được coi là nguy hiểm hoặc vi phạm đe dọa an toàn thông tin để xác định chế tài cụ thể trong luật. Cần xác định dữ liệu cá nhân là một loại tài sản cá nhân cần được luật pháp bảo vệ.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kể mỗi lần vào mạng đều có cảm giác truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, họ cũng truy cập, thậm chí sử dụng thông tin của mình, sử dụng truy cập của mình vào những mục đích của riêng họ, cảm thấy rất bất an.

Ông đề nghị luật bổ sung những nội dung về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng, lưu ý các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch những ứng dụng, những liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ.

Thu Hằng