- Tôi cứ ám ảnh mãi bởi câu chuyện về TNXP Nguyễn Thị Hoài. Có lẽ, vì Hoài là người trẻ nhất trong số 13 TNXP đã hi sinh ngày ấy. Nhưng, còn một lý do khác nữa: Hoài còn một người mẹ, ngày đêm đang sống với nỗi đau mất con. Câu chuyện mà mẹ của Hoài kể với tôi vào một đêm cuối thu, nghe sao xót xa…

>>Vẹn nguyên ký ức Truông Bồn
>>Đêm cuối ở Truông Bồn

>>Truông Bồn - nỗi đau thành huyền thoại

>>Xây dựng khu di tích Truông Bồn xứng tầm lịch sử

>>Truông Bồn huyền thoại và tri ân

“Năm đấy, con tôi mới 16 tuổi”

Trong số 13 TNXP ngã xuống ngày 31/10/1968, Nguyễn Thị Hoài là người trẻ tuổi nhất. Cô sinh vào ngày 17/7/1951, ở làng Đại Phú, xã Hưng Yên (huyện Hưng Nguyên). Cái tên làng Đại Phú, có lẽ xuất phát từ mong mỏi suốt mấy đời nay của người dân nơi đây.

Nhà Hoài nép mình bên quả đồi Đại Bần. Chẳng hiểu, khi đặt cái tên quả đồi này, người ta có nghĩ đến cái cuộc sống quanh năm nghèo khó của người dân nơi đây hay không?

Cụ Nguyễn Thị Miện và di ảnh của con gái.

Làng Hoài ở vùng thoai thoải đồi núi, đất đai quanh năm cằn cỗi. Mùa hè, gió Lào thổi khô khốc, cây lúa, cây khoai gầy tong teo, hạt lép kẹp. Duy chỉ có mỗi cây chanh sống tốt, cây nào cũng trĩu quả. Cạnh làng có một cái giếng nước, gọi là giếng Thiên. Thời còn nhỏ, đêm nào Hoài cũng không ngủ để ra canh ở giếng Thiên, gánh nước về cho cả nhà dùng.

Mẹ Hoài giờ đã ngót nghét một trăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Ở làng, người ta vẫn gọi là cụ Khánh, nhưng tên khai sinh của cụ là Nguyễn Thị Miện. Cụ Miện sinh được 10 người con, nhưng chỉ nuôi được 7, Hoài là con thứ 2 trong gia đình.

Hôm tôi đến, cụ Miện đang lúi húi quét dọn bàn thờ. Sắp đến ngày giỗ của Hoài rồi. Ở quê, người ta lấy ngày âm lịch để làm ngày giỗ. Hoài hi sinh đúng vào ngày 9/9 âm lịch.

Cụ Miện bảo rằng, từ ngày Hoài mất đến giờ, cứ đến ngày giỗ là cụ lại lúi húi quét dọn bàn thờ, lau lại cái di ảnh của Hoài. “Cái ảnh ni, đợt hắn về thăm nhà, xuống xã chụp để làm kỉ niệm. May mà còn cái ảnh để thờ” - cụ Miện vừa đưa tay lau những vết bụi trên tấm ảnh thời trẻ của Hoài, vừa đưa tay quệt ngang dòng nước mắt chực trào trên hốc mắt.

Cụ Miện vẫn thường hay hái 1 ít lá chanh ngoài vườn để lên bàn thờ của Hoài. Cụ bảo rằng, thời còn sống, Hoài chỉ gội đầu bằng thứ lá cây này. Lần về thăm nhà duy nhất, Hoài sà vào lòng mẹ rồi chạy ù ra vườn, hái một nắm lá chanh, một ít sả rồi xuống bếp, nhóm rạ đun nước gội đầu. Cụ Miện vừa múc nước để Hoài gội đầu, vừa hỏi han hết chuyện này đến chuyện khác.

Mới đi TNXP được mấy tháng, mà trông Hoài đã xọp đi, tóc không còn xanh như hồi ở nhà nữa. Hoài bảo: “Trên nớ, bom địch đì đùng suốt ngày, hôm nào đi ra san lấp hố bom xong, trở về nhà thì mệt lử, chỉ muốn lăn ra chõng tre nằm ngủ luôn chứ làm gì có thời gian mà gội đầu hả mẹ”.

Nghe con nói, cụ Miện thở dài: “Chẳng biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc, cứ mãi thế này, khi mô mi mới lấy chồng được”. Nghe mẹ nói, Hoài nhoẻn miệng cười: “Bao nhiều người đều như con cả, chứ có phải mình con đâu. Mà không ai lấy, hết chiến tranh, con về ở bên mẹ cả đời. Như thế không sướng hơn sao”.

Về thăm nhà được một ngày, hôm sau, Hoài lại phải ngược lên Truông Bồn. Trước khi đi, Hoài còn chạy ù ra vườn, hái thêm 1 ít là chanh rồi nhoẻn miệng cười với mẹ: “Mẹ nhớ chăm mấy cây chanh này cho con, lần sau, con hái lá để gội đầu”. Chẳng ai ngờ, đó là lần cuối cùng Hoài về thăm gia đình.

Đến bây giờ, cụ Miện vẫn không thể quên được ngày Hoài xa nhà, ngược lên tuyến lửa Truông Bồn. Năm Hoài đi TNXP, cô mới tròn 16 tuổi. Thời đấy, cứ gia đình nào có con đi TNXP thì Hợp tác xã cho ứng trước 5 cân thóc. Lâu lắm rồi, nhà mới có thóc để giã, cả nhà vui như có hội.

Đêm đấy, Hoài lục đục không ngủ. Mẹ Hoài cũng không ngủ được vì thương con, con gái mẹ mới 16 tuổi, non nớt thế mà lại đến nơi bom đạn. Chiến tranh, biết thế nào đến sống chết. Bàn thờ đứa con đầu của mẹ vẫn còn nghi ngút khói hương.

Sáng, cụ Miện dậy sớm để thổi cơm cho con ăn để lên đường vào Truông Bồn. Bữa cơm có thêm cá rô đồng, kho với tương mà hàng xóm cho. Lâu lắm rồi, nhà mới có cơm ăn. Cơm trắng, không phải độn thêm khoai sắn.

Ăn xong cơm, còn hơn một cân gạo, mẹ bảo Hoài gói vào khăn mùi soa, để khi nào đói còn có cái mà ăn. Hoài lắc đầu nguầy nguậy: Năm cân thóc hợp tác xã ứng cho, Hoài mang đi, các cháu lấy gì mà ăn. Hoài nói vậy rồi ra đi, bóng cô khuất sau những đồi chanh đang mùa ra hoa. Cụ Miện quệt nước mắt. Thở dài.

Mẹ vẫn chờ, ngày con trở về

Hoài đi được một thời gian thì có bận, ở làng Đại Phú, người ta loan tin là Hoài bị nước lũ cuốn trôi khi đang đi lấy đồ quân dụng. Cả đêm, cụ Miện không ngủ, bắt chồng lên Truông Bồn cho bằng được để hỏi xem sự thể thế nào?

Cụ Miện và Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 Trần Thị Thông - người duy nhất sống sót sau trận bom năm xưa.

Cha Hoài lúi húi đi bộ từ Hưng Nguyên lên Truông Bồn. Ngày đó, bom Mỹ đánh liên tục, nhất là những trục đường chiến lược. Ở xã Mỹ Sơn, bom đánh thẳng vào cả một đám cưới, chết cả một lúc 5 người. Bởi thế cha Hoài phải đi đường tránh, khi bờ ruộng, khi đường liên hương, cũng có khi luồn từ xóm này sang làng khác. Cứ nhằm thẳng hướng nào mà bom đạn nổ suốt ngày mà đi.

Đi từ sáng sớm mà đến chiều tối, cha Hoài mới đến được Truông Bồn. Hóa ra, người hy sinh trùng tên với Hoài. Gặp được Hoài, ông ôm con một chút rồi về ngay trong đêm để bảo với cụ Miện là Hoài vẫn còn sống.

Lại thêm một lần nữa, cụ Miện nghe tin bom nổ chết cả một tiểu đội ở Truông Bồn. Lần này, lòng bà như có lửa đốt, cồn cào trong từng khúc ruột. Cái linh tính, cảm giác lần này khác với lần bà nghe tin Hoài bị lũ cuốn khi đi lấy gạo và đồ quân dụng.

Từ làng, cha Hoài - cụ Khánh lại ngược lên Truông Bồn. Ông như chết lặng khi nghe tin cả tiểu đội của Hoài hy sinh gần hết. Mẹ Hoài biết tin, gục xuống như cây chuối khô trước mùa mưa bão. Trong một năm, chiến tranh, bom đạn đã lấy đi của bà 2 người con.

Người làng kể rằng, sau cái đêm nghe tin Hoài mất, đêm đêm, cụ Miện lặng lẽ ra những gốc chanh phía cuối đồi ngồi khóc một mình. Cụ khóc cho con, cho những đồng đội của Nguyễn Thị Hoài đã không còn nữa. 13 người hi sinh, 13 bà mẹ mãi mãi đau đáu một nỗi đau như cụ Miện.

Cụ trở về nhà, ngày lại ngày vẫn chăm chút từng gốc chanh với một hi vọng: Biết đâu, một ngày Hoài sẽ sống, trở về. Thi thể của con gái bà, đồng đội không tìm thấy. Thi thoảng, nghe tin có liệt sỹ ở làng này, làng nọ trở về sau mấy chục năm hy sinh, cụ Miện lại hy vọng.

Nhưng, Nguyễn Thị Hoài đã không về nữa. 13 TNXP trong tiểu đội thép ngày ấy mãi mãi không về!

Hoàng Sang - Vũ Điệp