- Các ĐBQH hôm nay thảo luận nhiều xung quanh quy định về đặt tên trong dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi.

ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đồng tình "tên phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của VN, không bằng số, ký tự mà phải bằng chữ và họ tên của một công dân không được vượt quá 25 chữ cái".

"Tên dài, ngắn không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, việc đặt tên là quyền của nhân dân. Nhưng trong thực tế có những trường hợp đặt tên quá dài, 35 chữ cái và đến 9 từ, cơ quan hộ tịch vẫn phải đăng ký, giấy phép lái xe, chứng minh thư, nay mai là thẻ căn cước cũng phải thực hiện. Dài thì phải viết tắt, rất khó khăn trong công tác quản lý", bà Duyền nói.

{keywords}
ĐB Tô Văn Tám: Chỉ vì thuận cho nhà nước mà hạn chế quyền công dân thì không đúng Hiến pháp. Ảnh: XĐ

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình: "Hiện ta có nhiều loại giấy tờ và thẻ nhỏ, gọn để thực hiện các giao dịch dân sự và kiểm tra hành chính. Nếu họ, tên quá dài thì không đủ chỗ để ghi, viết tắt sẽ gây nhầm lẫn. Nếu không giới hạn chữ cái, người dân muốn đặt tên 100 chữ cái thì cơ quan nhà nước có chấp nhận không?"

Theo ông Cảnh, giới hạn số chữ cái họ tên là để thuận tiện, tránh bớt rắc rối cho chính người dân. Nhưng ban soạn thảo phải làm rõ tại sao 25 chữ cái mà không phải là mức độ khác, cũng như quy định quyền đổi tên nhằm mục đích rút ngắn gọn họ tên.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên): Dự thảo đang quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ mẹ, là quá cứng nhắc, không để người mẹ được thể hiện ý chí tình cảm của mình khi quyết định họ của con mình sinh ra. Có thể vì nhiều lý do mà người mẹ độc thân muốn con mang họ của người họ yêu thương, ví dụ họ của mẹ mình. Tôi đề nghị quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con do người mẹ quyết định.

Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cũng nghĩ nếu bỏ quy định hạn chế đối với họ tên, "vô hình trung ta sẽ cổ súy cho trào lưu lai căng khi đặt tên, làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc mà cha ông chúng ta đã xây dựng".

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lại nghĩ khác: Cần xem lại việc Chính phủ cho rằng đặt tên dài quá 25 chữ cái sẽ gây ra những khó khăn cho cơ quan nhà nước khi làm các giấy tờ cá nhân.

"Nếu chỉ vì sự thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước mà hạn chế quyền của công dân thì không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Tôi đề nghị không hạn chế việc đặt họ, tên của cá nhân", ông Tám nói.

Chuyển giới: Không thừa nhận, họ tiếp tục sống ngoài vùng phủ sóng

Đối với vấn đề "nhạy cảm, khó và mới" là người chuyển giới, ông Trần Ngọc Vinh đồng tình cần một hành lang pháp lý để điều chỉnh. Nhưng như nhiều ĐB khác, ông chỉ ra sự mâu thuẫn trong dự thảo: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác.

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh: Nếu nhà nước không thừa nhận, người chuyển giới tiếp tục phải sống ở ngoài vùng phủ sóng về pháp luật. Ảnh: Minh Thăng

Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề chuyển giới, trưởng đoàn Hải Phòng đề nghị ban soạn thảo làm rõ dưới góc độ quyền con người, không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì có vi phạm không.

"Thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ở ngoài vùng phủ sóng về pháp luật. Vậy họ tham gia và hòa nhập vào các hoạt động của xã hội như thế nào. Các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ hay không?", ông Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng cũng thấy sự mâu thuẫn: Quy định như vậy sẽ khuyến khích tình trạng tạo ra sự đã rồi, buộc pháp luật phải thừa nhận.

Theo ĐB Tô Văn Tám, pháp luật ra đời để điều chỉnh những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, thừa nhận cũng như bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Vì thế, ông tôi đề nghị thừa nhận quyền này của cá nhân và quy định "trong những trường hợp đặc biệt, việc chuyển đổi giới tính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép", tức là thừa nhận có giới hạn.

Chung Hoàng