Là một trong những huyện ngoại thành của Hà Nội, thu nhập của người dân phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp.

Bởi vậy, ngay khi triển khai xây dựng NTM, huyện Mê Linh đã xác định bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thì phải đẩy mạnh phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới, xây dựng nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.

Theo đó, huyện đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 3.280 ha (đạt 100% kế hoạch). Nhờ đó, huyện đã hình thành một vùng chuyên canh tiêu biểu như: vùng trồng hoa hồng ở xã Mê Linh với diện tích 190ha; vùng trồng hoa đào ở xã Thanh Lâm có diện tích 20ha, tại xã Kim Hoa diện tích hoa đào cũng lên tới 30ha;

Vùng sản xuất rau an toàn xã Tráng Việt diện tích 200ha, tại xã Tiền Phong 90ha, Văn Khê 90ha.... Ngoài ra còn có vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại nhiều xã với quy mô lớn trên 20ha.

{keywords}
Nhờ xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu quy mô hàng hóa lớn mà thu nhập người dân huyện Mê Linh tăng cao

Đáng chú ý, huyện hiện còn có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có 3 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ước tính hiện nay, giá trị nuôi trồng thủy sản của Mê Linh đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả khoảng trên 350-400 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi 500 triệu đồng/ha/năm.

Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2019 ước đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Thu nhập của người nông dân ở Mê Linh hiện đã tăng lên mức 45 triệu đồng/người/năm.

Năm 2020, Mê Linh tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản; ưu tiên phát triển cây trồng thế mạnh như rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả… từ đó nâng cao thu nhập người dân lên 50 triệu đồng/người/năm.

Bài: Vũ Thị Lụa - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Quyết Thắng - nhóm PV