{keywords}

XEM VIDEO:

Từ TP Đông Hà (Quảng Trị), chạy xe qua những cung đường khúc khuỷu, một bên là núi, cây rừng rậm rạp, một bên là vực thẳm, sau 3 tiếng, những người mê hoa sẽ tới khu nuôi trồng, chăm sóc hoa trên đỉnh đèo Sa Mù (huyện Hướng Hóa).

Đèo Sa Mù có chiều dài hơn 20km, độ cao 1.024m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình quanh năm luôn ở mức ổn định khoảng 20 độ C. Thời tiết thay đổi theo giờ, với lớp sương mù giăng kín, trời mưa to nặng hạt rồi chuyển nắng vàng chỉ sau ít phút.

Khu nhà kính của Trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa (thuộc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị) dần hiện ra rõ hơn khiến ai nấy đều ngạc nhiên.

{keywords}

Dẫn cả đoàn vào thăm khu nhà kính đầu tiên trong số hàng chục khu nhà kính của trạm, Giám đốc Trung tâm Đào Ngọc Hoàng tự hào kể về hàng chục ngàn cây hoa lan hồ điệp đang bung nở với đủ các sắc màu trắng, vàng, tím, cam… 

Trước đây, khu vực này là bãi đất hoang, mãi đến năm 2016, trạm bắt đầu lập dự án và xin phép tỉnh san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm hệ thống nhà lưới, nhà kính. Với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng, đến đầu tháng 8/2018 khu nghiên cứu rộng 7ha hoàn thành.

Đến nay, trạm nghiên cứu đi vào hoạt động được 2 năm với việc nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các đặc thù của khu vực Bắc Hướng Hóa.

{keywords}

Ông Hoàng cho biết, Quảng Trị là một địa phương nắng gió, khí hậu rất khắc nghiệt, thậm chí nhiều người còn ví là “chảo lửa” của miền Trung. Thế nhưng, riêng vùng đặc biệt này lại có khí hậu bán nhiệt đới, số giờ chiếu sáng, ẩm độ rất thuận lợi trồng cây xứ lạnh.

Hiện Trung tâm tập trung nghiên cứu trồng hoa lily, tulip, lan hồ điệp, cẩm tú cầu, đồng tiền lùn, cát tường, hồng môn, cà chua siêu ngọt… Kết quả bước đầu rất thành công.

“2018 là năm đầu tiên chúng tôi trồng 1 vạn cây hoa lily và 7.000 cây hoa tulip. Dịp Tết đó, chất lượng hoa rất đẹp. Giá bán một chậu lily 5 cành ra thị trường chỉ 150.000 đồng, một chậu hoa tulip cũng chỉ 70.000 đồng. Mức giá mềm so với hoa nhập từ vùng khác về nên các siêu thị, cửa hàng ở các tỉnh lân cận đặc biệt ưa chuộng”.

Dịp Tết Canh Tý này, Trung tâm có 5.600 chậu hoa lily (khoảng 28.000 cây hoa), lan hồ điệp 13.000 gốc, dâu tây trồng khoảng 2.600 chậu cung cấp ra thị trường.

“Hoa lily giá bán vẫn như năm ngoái, lan hồ điệp bán sỉ tại vườn là 100.000 đồng/gốc. Tính ra doanh thu lên đến khoảng vài tỷ đồng với giá bán như hiện tại thì chắc chắn có lãi, còn lãi nhiều hay ít Trung tâm phải thống kê cụ thể mới biết được”, ông Hoàng tiết lộ.

{keywords}

Khu trồng ứng dụng công nghệ cao (nông nghiệp 4.0), các công đoạn đa phần đều được tự động hóa như tưới, hệ thống kéo rèm, điều khiển nhiệt độ, ẩm độ...

Đặc biệt, trạm còn lắp đặt hệ thống pin mặt trời, sử dụng năng lượng để phục vụ cho sản xuất nên giá thành sản phẩm làm ra tương đối thấp. Các công đoạn đã được tự động nên các kỹ sư nông nghiệp chỉ làm công việc nghiên cứu, kiểm tra vườn cây…

{keywords}

Khu vườn này được xây dựng để nghiên cứu và cũng là nơi sản xuất thử nghiệm nhưng cán bộ kỹ thuật cũng phải tính toán kỹ bài toán kinh tế.

“Tháng 11/2019, chúng tôi mời một số hộ dân từ thị trấn Khe Sanh lên đây thăm và tổ chức lớp tập huấn theo kiểu bắt tay chỉ việc.

Với lan hồ điệp nông dân có thể chưa làm được ngay vì đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn. Song, hoa lily thì quy trình làm không phức tạp, người dân có thể trồng đại trà trên diện rộng”, ông Hoàng tâm huyết nói.

Vị Giám đốc trung tâm cũng tự hào khi mỗi ngày đón hàng chục lượt khách tới tìm hiểu, thưởng thức dâu tây, cà chua socola có vị ngọt sắc.

{keywords}

Mục tiêu lớn nhất là khi trồng khảo nghiệm thành công, nơi đây sẽ là khu vườn mẫu để người dân trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm trồng các loại hoa, cây rau quả có giá trị kinh tế cao. Từ đó, Sa Mù sẽ giúp người nông dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, thậm chí có thể làm giàu.

“Với mục đích đó, các cán bộ đi xe lên Sa Mù làm từ sáng và lúc về nhà khi đã 12h đêm, thậm chí 1h sáng. Dù vất vả nhưng ai nấy đều hiểu rằng, làm công việc nghiên cứu mà chỉ cần bỏ qua một giai đoạn, một thời điểm thì ảnh hưởng rất lớn”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, sau 2 năm trồng khảo nghiệm cho kết quả thành công, Trung tâm dự kiến chọn ra 3 giống thích hợp để nhân rộng, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu hoa lily và tulip cung cấp cho thị trường miền Trung không chỉ dịp Tết mà còn vào các ngày lễ và nhu cầu chơi hoa suốt năm.

Việc trồng thử nghiệm hoa thành công giúp địa phương phá thế độc canh cây cà phê, phát triển nông nghiệp bền vững.

{keywords}

Trò chuyện với phóng viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định: “Với những kết quả bước đầu, Trạm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa đã trở thành mô hình trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để các DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các sản phẩm mũi nhọn như cây dược liệu và nông nghiệp hữu cơ”.

{keywords}{keywords}

 

Hạt ngọc trên cánh đồng chết, kỳ tích người Nhật cũng ngả mũ khâm phục

Hạt ngọc trên cánh đồng chết, kỳ tích người Nhật cũng ngả mũ khâm phục

Trên thế giới hiện nay chưa có loại gạo nào đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng như gạo hữu cơ Quảng Trị, hai hợp chất tìm thấy còn quý và đắt hơn vàng 30.000 lần.

Bảo Phương - Thành Nam

Thiết kế: Phạm Luyện