Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) khi chính thức có hiệu lực hứa hẹn mang đến cơ hội cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng dịch vụ đường sắt chất lượng theo tiêu chí “Thuận tiện, đúng giờ, an toàn, hiệu quả”.

Dịch vụ vận tải đường sắt thiếu tính cạnh tranh

Năm vừa qua, ngành đường sắt đã nỗ lực tái cơ cấu và đạt được nhiều kết quả sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản QPPL dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi.

{keywords}

Đơn cử các Điều 27, 28, 29, 31, 35 của Luật Đường sắt 2005 đã quy định chi tiết, cụ thể các giá trị của phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt. Việc quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể trong Luật sẽ rất khó khăn khi cần điều chỉnh giá trị cụ thể đối với phạm vi này; Mặt khác khi có sự thay đổi về giá trị phù hợp với thực tiễn sẽ không linh hoạt trong quá trình thực thi.

Luật Đường sắt 2005 (Điều 5) cũng mới chỉ nêu nguyên tắc khuyến khích tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh vận tải đường sắt; Nhà nước đảm bảo môi trường lành mạnh không phân biệt đối xử, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt.

Mặc dù vậy, thời gian qua còn một số vấn đề chưa thực hiện được vì hiện nay, về bản chất chỉ có một chủ thể vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, vừa kinh doanh vận tải đường sắt và vừa điều hành vận tải đường sắt. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia dẫn đến dịch vụ vận tải đường sắt thiếu cạnh tranh nên ngày một mất dần thị phần.

Nâng tầm dịch vụ đường sắt

Với những đề xuất được đưa ra, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) giải quyết phần lớn rào cản của các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt phục vụ người dân.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật đường sắt 2005, bất cập nhất hiện nay chính là việc không rõ chủ thể quản lý hạ tầng đường sắt, chồng lấn trong quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, từ đó dẫn đến lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, độc quyền trong kinh doanh đường sắt và đường sắt bị tụt hậu. Vì vậy, Luật Đường sắt mới sẽ định hướng làm sao để phân định rõ chủ thể quản lý, thúc đẩy tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư vào đường sắt.

Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ thay cụm từ “phân định” bằng cụm từ “tách bạch” kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt.

Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đang thực hiện quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên việc kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư vẫn do một doanh nghiệp tổ chức quản lý và thực hiện. Hoạt động này gần như khép kín trong nội bộ doanh dẫn đến hạn chế công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

{keywords}

Luật Đường sắt mới ra đời thay thế cho Luật Đường sắt 2005 sẽ thực hiện được việc tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước sẽ được trả về cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ toàn tâm toàn ý cho mục đích kinh doanh theo luật doanh nghiệp, từ đó ngành đường sắt sẽ "thay da đổi thịt" trong tương lai không xa.

Anh Nguyễn Vũ Bằng, một chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Luật đường sắt mới được ban hành sẽ giúp người dân và doanh nghiệp như chúng tôi được hưởng lợi ích từ một dịch vụ đường sắt tốt hơn, hoàn hảo hơn theo đúng nghĩa "Thuận tiện, đúng giờ, an toàn, hiệu quả". Đặc biệt, khi Luật mới được ban hành sẽ bổ sung một chương quy định về đường sắt tốc độ cao, giúp chúng tôi được hưởng những lợi ích hiện đại khi tham gia đường sắt”.

Bên cạnh đó, Luật mới khi được thông qua sẽ giúp ngành đường sắt phát triển và khắc phục được tình trạng phát triển không cân đối trong hệ thống giao thông vận tải tại Việt Nam. Đồng thời chia sẻ, giảm tải cho vận tải đường bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải trong toàn hệ thống giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng sẽ tạo ra diện mạo mới hoàn toàn, giúp đường sắt Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế hướng tới khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; từng bước lấy lại, phục hồi thị phần vận tải đường sắt đã bị mất đi trong thời gian qua và hướng tới phát triển đường sắt xứng tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; thay da, đổi thịt ngành đường sắt trong tương lai gần theo đúng mục tiêu trong Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt.

Anh Vũ