Sau hơn 1 năm thực hiện, đề án đã mang lại những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản.

Năm 2019, đề án tiếp tục triển khai thêm 7 mô hình nữa tại các xã: Châu Giang, Chuyên Ngoại, Trác Văn (huyện Duy Tiên), Nhân Đạo (Lý Nhân, Mỹ Thọ (huyện Bình Lục), Thanh Sơn (Kim Bảng) và Kim Bình (thành phố Phủ Lý).

{keywords}
Mô hình “sông trong ao” mở hướng đi mới cho người nuôi trồng thủy sản

Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá bán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam đã kết nối, hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với Hợp tác xã sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam) cho biết, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” lần đầu được triển khai tại tỉnh Hà Nam.

Cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào. Do đó, thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống.

Mô hình còn chủ động được nguồn nước tại chỗ, nước trong ao không cần thay thế mà sử dụng tuần hoàn liên tục 8 - 10 năm, khắc phục được tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước cấp hiện nay.

Tuy nhiên, mô hình công nghệ cao nên yêu cầu điều kiện về kỹ thuật cũng như suất đầu tư khắt khe hơn so với nuôi cá truyền thống. Nếu các hộ tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, mô hình sẽ cho năng suất, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp đánh giá hiệu quả mô hình trước khi nhân rộng trong thời gian tiếp theo.

Bài: Trần Thị Hồng Nhì - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Thu Thủy - Nhóm PV