- Cai nghiện khó khăn như chữa bệnh ung thư. Trong khi đó, Bộ Công an thừa nhận rất khó kiểm soát tình trạng tuồn lậu ma tuý cả vào trại giam.

Như chữa ung thư

Phiên giải trình về chính sách cai nghiện ma tuý do UB Các vấn đề xã hội QH tổ chức hôm nay diễn ra sau vụ việc gần 400 học viên cai nghiện trốn "trại cai" ở Hải Phòng.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền nói, đây là việc khó khăn như chữa ung thư. Nhiều báo cáo giải trình trước đây đã nêu 90% là tái nghiện. Trên thế giới, xu hướng hiện nay nên coi là người bệnh thay vì tệ nạn xã hội.

Bà Chuyền cho biết, vừa qua, phần đông đối tượng đưa vào các trung tâm cai nghiện đều khởi nguồn từ việc bị phạt vi phạm hành chính. Đối tượng lại khá phức tạp, có nhiều trường hợp có cả tiền án, tiền sự. Khi không có lực lượng công an tại các trung tâm cai nghiện là rất khó khăn. Phần đông chơi bời từ thời trẻ nên ra về, rất khó có việc làm.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, các học viên cai nghiện coi là mình bị bắt buộc vào chứ không phải là được giúp. Trong các trung tâm, luôn có các đối tượng hay gây sự, đánh nhau, kích động nên phải có tường cao, rào sâu. Trông bên ngoài thì không hay lắm.

"Vừa qua, trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng muốn tạo ra sự thân thiện, tường, cổng khác nên khi mở ra, học viên ào ra ra về. Anh em quản lý tôn trọng học viên, nên vẫn để cho các học viên ra về rồi vận động họ quay trở lại. Trong số hơn 300 người mới có hơn 100 người trở lại", ông Đàm cho hay.

Hiện cả nước có gần 185.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng 0,8% so với cuối năm 2013, tăng 6,3% so với năm 2012 và tăng tới 15,4% so với 2012.

Chỉ trong 20 năm qua, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý đã tăng hơn 3 lần, tăng thêm 55.445 người. Trung bình mỗi năm, Việt Nam tăng thêm 6.400 người nghiện ma tuý.

Theo số liệu của Bộ Công an vừa rà soát, con số mới nhất phải hơn 240.000 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Đa số, người nghiện ma tuý tại Việt Nam dùng heroin với 72%. Nhưng xu hướng hiện nay, người nghiện chuyển sang dùng ma tuý tổng hợp, sử dụng các chất dạng Amphetamine ngày càng tăng. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay đã tăng 14,5%.

Cả nước có 142 trung tâm cai nghiện và mới chỉ quản lý 32.200 người. 8 tháng đầu năm nay, các trung tâm đã tiếp nhận 3.946 người vào cai nhưng đều trước khi Luật xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực. Vẫn  chưa có trường hợp nào đưa được người cai nghiện vào trung tâm theo phán quyết của toà án.  

Mục tiêu cuối 2015, Việt Nam có 80.000 người được điều trị nhưng đến hết tháng 8/2014, số người được điều trị mới có 20.000 người, chưa đạt 25%. Các địa phương đều đang gặp khó khăn, từ kinh phí, nguồn thuốc, quy trình...

Khó kiểm soát ma tuý vào trại giam

Một trong những "vấn nạn" được nhiều đại biểu quan tâm nhất là hiên tượng tuồn lậu ma tuý ngược vào trại giam.

Rất thẳng thắn, ông Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, khó kiểm soát hết được việc tuồn lậu ma tuý vào trại giam. Vừa qua, ngành toà án vừa thụ lý vụ án tại trại giam số 3, số 5 tại Nghệ An, phải xử lý cả quản giáo, người canh gác về tội trạng trên.

"Nhiều trường hợp người nhà tiếp tế bánh chưng, thực phẩm cho phạm nhân, nếu muốn kiểm tra có ma tuý trong đó hay không, không lẽ phải cắt nát bánh đó ra? Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp tác với bưu điện kiểm soát chặt khi gửi bưu kiện hàng hoá vào trại giam", ông Vương cho hay.

Bên cạnh đó, một đặc thù khác là nhiều tội phạm hiện nay liên quan đến ma tuý và nghiện ma tuý.

Ông Vương cho hay, khoảng 38% tội phạm trong nhà giam có liên quan đến ma tuý và khoảng 27% là đối tượng nghiện ma tuý. Ngay cả trong các cơ sở giáo dưỡng bắt buộc, cũng có tới 34% người nghiện.

Lực lượng công an vừa quản lý tội phạm chấp hành án, vừa quản lý cai nghiện. Với thành phần phức tạp như vậy nên quản lý kiểm soát việc tuồn hàng cấm vào trại giam rất khó.

Phòng nghiện ma tuý

Tham dự buổi giải trình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, ma tuý đúng là thứ bệnh nhưng là bệnh đặc biệt, liên quan mại dâm, cờ bạc, tội ác. Nhìn vào các gia đình, các vùng "bị" dính ma tuý, rất sợ. Có những nghĩa trang toàn người nghiện chết, có gia đình 2 tháng có 3 đứa con chết.

"Chúng ta coi đây là bệnh theo xu hướng thế giới, đưa vào luật pháp, tôn trọng quyền công dân. Nhưng có một thực tế, nhìn từ việc xử phạt vi phạm hành chính, cần cân đối các quan điểm này", ông Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, phòng là quan trọng. Nếu để dính vào nghiện ma tuý rồi mới chữa thì rất khó thành. Kể cả tỷ lệ có nơi đạt 21% không tái nghiện cũng rất khó.

Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất cần ban hành Luật dự phòng và điều trị cai nghiện ma tuý. Đây sẽ là một giải pháp hỗ trợ cho người mới nghiện, thay vì chờ nghiện rồi mới cai thì sẽ khó khăn hơn gấp bội.

  • Phạm Huyền