Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy Nguyễn Minh Tân, sau khi báo VietNamNet phản ánh tình trạng khai thác cao lanh (hay còn gọi là "vàng trắng") trái phép trên địa bàn xã Đào Xá, UBND huyện đã yêu cầu công an huyện trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt thông tin, kiểm tra sự việc.

{keywords}
Những hố sâu hun hút để lại như vết thương không bao giờ lành tại xã Đào Xá, sau khi đã rút ruột để lấy cao lanh

UBND huyện yêu cầu lập biên bản các trường hợp sai phạm, khai thác cao lanh trái phép trên địa bàn.

"Sáng ngày 14/12, huyện đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, yêu cầu xã Đào Xá phải thực hiện đúng vai trò, chức năng quản tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Nếu tiếp tục để tái diễn, người đứng đầu xã Đào Xá phải chịu trách nhiệm” - ông Tân khẳng định.

“Huyện cảm ơn Báo VietNamNet đã kịp thời phát hiện, thông tin với chính quyền địa phương" - ông Tân nói và cho biết, xã Đào Xá có diện tích rất lớn với 25km2, địa bàn rộng cũng là một trở ngại khách quan trong quản lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy nhìn nhận, Đào Xá là “điểm nóng” của tình trạng khai thác cao lanh trái phép diễn ra từ nhiều năm qua, trong đó, khu dân cư số 17 là địa điểm tập trung nhiều nhất.

{keywords}
Trưởng khu dân cư số 17 Dương Văn Thức: Ở Đào Xá, gạt lớp đất mặt là thấy cao lanh.

“Các điểm phân bố cao lanh phân tán, nhỏ lẻ nên cũng rất khó khăn trong công tác quản lý. Theo quy mô phân bố của khoáng sản mới có thể lập dự án để cấp mỏ cho các đơn vị khai thác. Các điểm phân tán nhỏ lẻ, không thể lập dự án nên càng khó khăn hơn” – ông Tân cho hay.

Ở xã Đào Xá, cao lanh tập trung nhiều nhất tại khu dân cư số 17, nằm khắp mọi nơi, trên những mỏm đồi, những khe suối, nằm ngay trong vườn nhà, thậm chí ngay bên dưới nhà dân. Bà con nơi đây, nhiều nhà khi cuốc đồi trồng sắn, trồng hoa màu cũng gặp cao lanh.

Những mỏ cao lanh lộ thiên, chỉ cần gạt lớp đất mặt, sau đó dùng máy xúc xúc thẳng lên xe, dễ như người ta xắt khúc giò lụa, không cần tốn sức khoan thăm dò, lập dự án…

{keywords}
Cao lanh khai thác trái phép được tập kết đợi đến thời điểm thuận tiện sẽ mang đi tiêu thụ

Nhiều năm qua, Đào Xá là địa chỉ thu hút nhiều đối tượng khai thác cao lanh trái phép tìm về. Giai đoạn bùng phát đỉnh điểm rơi vào các năm từ 2015 - 2017, cả xã như một đại công trường khi cùng lúc có hàng chục điểm khai thác cao lanh trái phép, hoạt động công khai, ngang ngược giữa ban ngày.

Khi đó, đường liên xã, liên huyện phủ kín lớp bụi trắng mịn, mù mịt; những chiếc xe tải trọng 4 – 5 tấn chất đầy ứ cao lanh, từ các nhà dân lao ra đường, nườm nượp như thoi....

Vấn nạn khai thác trái phép lộng hành, ngang ngược tới mức, Phú Thọ phải điều động cử công an tỉnh, huyện về tăng cường chốt chặn tại xã, không cho xe chở quặng trái phép lưu thông. Đào Xá mới tạm yên ắng một thời gian.

{keywords}
Ông Lê Anh Đoàn, Chủ tịch xã Đào Xá kiểm tra thông tin VietNamNet phản ánh

Ngỡ như nạn “cao lanh tặc” đã được dẹp bỏ, thì khoảng giữa tháng 11/2020, những tốp bạt đồi múc trộm cao lanh lại xuất hiện tại khu 17 – nơi tập trung nhiều cao lanh nhất xã Đào Xá.

Núp bóng “hạ cốt” để khai thác khoáng sản

Theo tìm hiểu, không phải đến nay, tình trạng khai thác cao lanh trái phép mới xuất hiện tại xã Đào Xá....

Năm 2017, gia đình ông Dương Văn Bình (khu dân cứ số 17, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) có đơn ra xã xin “hạ cốt” khu vực đất đồi để lấy đất làm nhà ở. 

Ông Bình xin “hạ độ cao” khu vực đồi sát nhà để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. UBND xã Đào Xá chấp thuận cho gia đình ông được “hạ cốt” theo nội dung ghi trong đơn là 300m2. Tuy nhiên, trong quá trình hạ cốt, gia đình ông Bình đã múc vượt giới hạn cho phép, xã đã 3 lần vào lập biên bản, đình chỉ thi công.

Từ những lá đơn xin “hạ cốt” lấy mặt bằng sản xuất như trường hợp hộ gia đình ông Bình, “lá bài hạ cốt” được nhiều gia đình áp dụng. Những đối tượng “mua đứt” đồi vườn để khai thác cao lanh, nếu bị chính quyền lập biên bản, sẽ nại lý do được thuê mướn múc đồi, chứ không phải khai thác cao lanh.

{keywords}
“Vàng trắng" ở xã Đào Xá

 

{keywords}
Con đường trắng xóa cao lanh tại khu 17, xã Đào Xá

Chủ tịch xã Đào Xá Lê Anh Đoàn thông tin, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng của xã đã vào kiểm tra hiện trường.

“Hộ gia đình ông Bình đã nhiều lần vi phạm, bị lập biên bản. Trên địa bàn xã, hiện có 3 đơn vị được cấp phép. Các đơn vị còn lại đều là khai thác cao lanh trái phép” - lời ông Đoàn.

“Nếu được cấp phép và tiến hành khai thác, họ phải xuất trình hồ sơ pháp lý, cấp mỏ, đăng ký phương tiện khai thác, đăng ký tạm trú cho công nhân… Nếu không xuất trình đầy đủ những nội dung này, 100% đều là khai thác cao lanh trái pháp luật”.

{keywords}
Những vết thương khó lành ở Thanh Thủy, Phú Thọ

Ông Đoàn cũng khẳng định, thời điểm hiện tại, Phú Thọ không có chủ trương cấp phép mới cho các điểm mỏ khai thác cao lanh trên địa bàn. Huyện, xã cũng không nhận được đơn “xin hạ cốt nền” từ các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy Nguyễn Minh Tân cam kết: Chúng tôi sẽ không để tái diễn tình trạng khai thác cao lanh trái phép xảy ra trên địa bàn. Mọi sai phạm sẽ được xử lý theo đúng pháp luật .

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ TN-MT) Lại Hồng Thanh cho biết, Tổng cục đang yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ lập đề án thăm dò trữ lượng khoáng sản (trong đó có cao lanh) để có phương án quản lý.

Đối với những điểm mỏ quy mô nhỏ, phân tán, trữ lượng chưa đủ tiêu chuẩn thuộc thẩm quyền cấp Bộ cấp phép khai thác dự án sẽ giao cho địa phương quản lý, cấp phép.

Đối với các điểm mỏ nhỏ lẻ, phân tán, khi chưa nằm trong quy hoạch cấp phép khai thác, trách nhiệm quản lý thuộc chính quyền sở tại có tránh nhiệm bảo vệ, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, làm chảy máu nguồn tài nguyên quốc gia.

 

Dỡ đồi múc trộm “vàng trắng” trái phép chưa khi nào ngừng ở Phú Thọ

Dỡ đồi múc trộm “vàng trắng” trái phép chưa khi nào ngừng ở Phú Thọ

Những quả đồi trồng cây lâu năm bị chọc thủng để múc cao lanh biến thành ao sâu hun hút. Nạn khai thác cao lanh trái phép hoành hành ngang nhiên ở Thanh Thủy, Phú Thọ.

Kiên Trung