Tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” tổ chức sáng nay tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự gia tăng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Cơ chế chính sách còn bó buộc, các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực. Những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh như Cầu Vàng, Bà Nà... vấp phải sự chỉ trích về môi trường. Việc phát triển, đánh đổi mà dư luận đặt ra vô hình chung đẩy nhà đầu tư vào rủi ro.

Theo Tiến sĩ (TS) Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) sự phát triển nào cũng đi liền với sự đánh đổi.

{keywords}
Theo TS Trần Đình Thiên, phát triển du lịch phải chấp nhận sự đánh đổi. Ảnh: Hồ Văn

Theo ông, bảo tồn cứng ngắc thì khó phát triển, nhưng đánh đổi mà không tới cũng không phát triển được.

Phát triển mạnh phải đánh đổi mạnh, chỉ có điều đánh đổi bao nhiêu thì hợp lý, tiếp cận sự đánh đổi thế nào là sự tính toán có chuẩn mực. Đánh đổi không ưu tiên vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, phải có tính lợi ích toàn cục để hài hòa.

Đặt ra vấn đề thế nào là "du lịch mũi nhọn”, ông Thiên cho rằng khái niệm này chưa thấy có bộ tiêu chí quy định, chưa làm rõ tính chất… thì doanh nghiệp không biết áp dụng thế nào. Cần bàn đến khái niệm này rõ ràng hơn, giúp doanh nghiệp nhìn thấu để từ đó tiếp cận cụ thể vào dự án.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam từ tầm nhìn quản lý đến các doanh nghiệp cần phải tiếp cận phát triển du lịch đẳng cấp, bền vững chứ không chạy theo thành tích, số lượng như số liệu báo cáo hiện nay.

Còn ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho rằng, đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của Việt Nam là có tiềm năng và vừa sức người.

{keywords}
Ông Lương Hoài Nam cho rằng, phát triển du lịch đụng đến thiên nhiên, văn hóa cần phải minh bạch với cộng đồng. Ảnh: Hồ Văn

Ông ví dụ, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam sếp thứ 35 thế giới, văn hóa thứ 29… một thứ hạng rất cao, đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch. Còn về con người, chúng ta có nguồn lực rất lớn, làm khá tốt.

"Các tour du lịch ở Việt Nam hiện nay cũng tầm cỡ thế giới, chẳng có lý gì mà không thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mong muốn của tôi du lịch sẽ vượt Thái Lan, khi làm tốt sẽ vượt", ông Nam nói.

Theo ông, các dự án du lịch đụng đến thiên nhiên, văn hóa phải minh bạch, cụ thể để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra… tạo sư đồng thuận, giảm xung đột. Ngược lại phát triển bất chấp thì sẽ trở thành phá hoại, tội đồ và bị phê phán là không tránh khỏi.

Chưa có sự nuôi dưỡng nguồn thu

Đặt vấn đề phát triển phải có sự bảo tồn, bảo tồn phải tính từ nguồn thu của chủ thể du lịch, ông Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch) cho hay: “Di sản thế giới đứng đầu khu vực, có nhiều hệ sinh quyển…, thế nhưng, đã ai trả lời là khai thác nhưng có nuôi dưỡng tài nguyên này không?

Ngay từ năm 1994, chúng tôi đề xuất xin thu lệ phí 50% của khách quốc tế vào Việt Nam để đầu tư, bảo tồn tài nguyên. Nhưng cuối cùng không được, từ đó đưa sang một điểm nghẽn thành lợi ich cục bộ”

{keywords}
Theo ông Phạm Trung Lương, phát triển du lịch bền vững phải có nguồn thu nuôi dưỡng tài nguyên, chưa thấy ai quan tâm đến vấn đề này. Ảnh: Hồ Văn 

Ông Lương cho rằng, không bảo tồn thì không phát triển bền vững được. Chúng ta có bộ tiêu chuẩn tiêu chí bền vững… nhưng rồi có ai áp dụng và sử dụng đâu? 

Ông lấy ví dụ, Kiên Giang đang khai thác núi đá vôi ở Hà Tiên (nơi duy nhất ở ĐBSCL có đá vôi) để làm xi măng. Đây là loại đá không tái tạo, khai thác là mất vĩnh viễn. Khai thác đá vôi là có tiền ngay, nhưng ta đánh đổi cái mất, đó là chưa nói đến môi trường. 

Ông cũng cho biết, năm 2000 chúng ta có chiến lược phát triển du lịch thành mũi nhọn với các tiêu chí: về kinh tế có đóng góp trực tiếp tự 7-10% trở lên; tạo được nhiều việc làm cho xã hội, cũng từ 10% việc làm từ xã hội… nhưng rất tiếc vừa rồi bị xao nhãng các chỉ tiêu này.

Ông cũng đặt ra điểm nghẽn, là hạ tầng sân bay, thị thực (mới 23 nước miễn thị thực, trong khi các nước hàng xóm mở tới 156 nước…); quảng bá chưa xứng tầm với tiềm năng khai thác.

Về khái niệm bảo tồn, chuyên gia bảo tồn rừng Nguyễn Huy Thắng cho rằng, quan điểm về bảo tồn và phát triển bền vững đã thay đổi nhiều so với trước đây. Bảo tồn các vẻ đẹp thiên nhiên như trước đây mà không làm gì thì không thể phát triển.

{keywords}
Chuyên gia bảo tồn rừng Nguyễn Huy Thắng cho rằng phát triển du lịch phải chấp nhận sự đánh đổi, nhưng đánh đổi phải hợp lý. Ảnh: Hồ Văn

Ông lấy ví dụ về khu ngập nước rừng Xuân Thủy (Nam Định), ngày xưa cấm tuyệt đối, dân đói vì mỗi năm có hai vụ lúa, đất phèn chua nhiều. Bà con thỉnh thoảng vào khai thác thì bị đuổi, nghèo mãi.  

Sau này, mở biên độ bảo tồn cho người dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác hải sản… dần dần cuộc sống thay đổi, khu bảo tồn lại phát triển hơn. 

Hồ Văn

Khám phá cung đèo Mã Pí Lèng hiểm trở bậc nhất Việt Nam

Khám phá cung đèo Mã Pí Lèng hiểm trở bậc nhất Việt Nam

Được đánh giá là một trong 'tứ đại đỉnh đèo' ở vùng núi phía bắc Việt Nam, đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài chừng 20 km. Từ đỉnh đèo, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng văn.