Chiều nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TN&MT) đã họp báo thông tin về tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. 

{keywords}
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng chủ trì họp báo chiều 26/8

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay có 3 nhà đầu tư đã được UBND TP chấp thuận chủ trương và chuẩn bị ngày khởi công dự án đốt rác phát điện trong tháng 9 và 10 tới.

Ba đơn vị này gồm: Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Tasco. Từ nay đến năm 2020, mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày.

 

{keywords}
Các nhà máy mới dự kiến đáp ứng chỉ tiêu của thành phố về xử lý rác 4000 tấn trên/ngày vào năm 2021

 

Giám đốc công ty Vietstar Ngô Như Hùng Việt cho biết, nhà máy ở Củ Chi sử dụng công nghệ Martin của Đức với hệ thống khép kín không phát tán mùi hôi, sử dụng công nghệ tự động. Do dự án làm trên khuôn viên nhà máy cũ nên không cần thêm đất nên thời gian xây dựng nhanh trong 1,5 năm.

Ông Ngô Xuân Tiệc - Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa thông tin, đầu tháng 10/2019, công ty sẽ khởi công một số hạng mục của nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi công suất 2.000 tấn/ngày, đến đầu quý IV/2021 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. 

Còn theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay việc xử lý rác tại TP chủ yếu là chôn lấp. Tổng số lượng rác đã thu gom vận chuyển năm 2018 là hơn 3 triệu tấn, tính trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra 9.213 tấn rác tăng 4,19 % so với năm 2017.

Hiện TP đang kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). TP xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%.

Để thực hiện điều này, một trong các giải pháp TP nêu ra là chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.

TP đã đưa ra một số ưu đãi đầu tư vào xử lý rác như: miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác. 

{keywords}
Rác thải tại TP.HCM hiện nay chủ yếu là tái chế và chôn lấp nên tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc

Trước đó tại cuộc họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề cập việc cải tiến công nghệ xử lý rác để giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra sốt ruột khi TP mất 2 năm kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại.

Người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT làm việc với các nhà máy xử lý rác tại TP, buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%.

Tại buổi họp này, lãnh đạo Sở TN&MT cam kết sẽ thực hiện theo mục tiêu TP đề ra. Đồng thời cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Đa Phước chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày sang hình thức đốt, thu khí ga để giảm ô nhiễm.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới mà TP đã đồng ý chủ trương, Sở sẽ tham mưu UBND rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trước năm 2020.

Chủ bãi rác Đa Phước kêu oan vì bị tố gây ô nhiễm khu Nam Sài Gòn

Chủ bãi rác Đa Phước kêu oan vì bị tố gây ô nhiễm khu Nam Sài Gòn

 Chủ bãi rác Đa Phước hôm nay cho biết, không phủ nhận tình trạng mùi hôi tại khu vực phía Nam Sài Gòn do rác nhưng nếu đổ lỗi toàn bộ cho phía công ty thì 'oan quá'.

Tuấn Kiệt