- Một quốc gia biển với kinh tế biển được xác định là thế mạnh nhưng việc áp dụng khoa học công nghệ, tri thức làm đòn bẩy cho sự phát triển hạn chế, gần như không, đến ngay cả nghiên cứu về biển đảo cũng chưa mạnh. Thiết lập một bộ về biển đảo là cần thiết.

Ít nhất 2 ý kiến xung quanh vấn đề trên nêu đại diện tại cuộc làm việc của Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với 21 Giáo sư hàng đầu VN trên mọi lĩnh vực về việc phát huy đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, sáng nay ở Hà Nội.

{keywords}

GS.TS Nguyễn Cao Huần. Ảnh: Minh Thăng

GS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục nhấn mạnh tiềm năng biển lớn để khai thác hiệu quả, chiến lược bắt buộc phải tổ chức khoa học công nghệ về biển đảo bài bản.

Ngành công nghiệp đóng tàu có những phát triển đầy “thăng trầm” như GS Long nói một phần chưa coi trọng giá trị phản biện độc lập của khoa học. Một con tàu đóng chỉ riêng vỏ chất liệu bên ngoài nếu không coi trọng những đánh giá khoa học kỹ càng mà chọn tùy tiện đã không thể có con tàu tử tế.

Đề cập kinh tế biển đảo, GS Long chỉ ra không có một bộ chuyên ngành chăm lo riêng, mà mọi nguồn lực phát triển bị phân tán. Do đó, cần thiết có một bộ chuyên trách biển đảo, trong đó áp dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế biển đảo là cần thiết.

GS.TS Nguyễn Cao Huần cũng chỉ ra nhu cầu bức thiết phải lập một bộ chuyên trách về biển đảo. Theo ông, cơ chế chi cục biển đảo ở từng địa phương không đủ xứng tầm trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết phát triển tổng lực khai thác tiềm năng vùng biển chủ quyền. Ngay tổ chức nghiên cứu về biển đảo cũng yếu và cần có nghiên cứu biển đảo xứng đáng.

Tin tưởng và dùng trí thức

20 GS đầu ngành cả nước trên mọi lĩnh vực bày tỏ ý kiến với cùng nỗi trăn trở đến khi nào các nhà khoa học, đội ngũ trí thức được tin và dùng.

GS Nguyễn Lân Dũng kể ở các nước, các nhà khoa học luôn được chủ động tiếp cận để “xin” chất xám, đằng này ông và các đồng nghiệp không khỏi tủi khi phải đi “xin” được chia sẻ chất xám. Ngay trong giáo dục, chỉ riêng vấn đề sách giáo khoa, không ít người sẵn sàng đóng góp chất xám để biên soạn sách nhưng họ đi xin ngành giáo dục cũng không cho làm.

{keywords}

GS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Minh Thăng

Ông kể, một đồng nghiệp của ông từng làm các đồng nghiệp quốc tế thán phục khi lai giống và nhân trồng thành công một số loại cây quý vốn thất bại ở nước khác.

Nhà khoa học này khi nhân trồng thành công đã mừng rỡ tặng cho mỗi tỉnh một cây. Nhưng mời đi mời lại, không địa phương nào hồi âm. Đến nay, ông vẫn giữ 400 cây và chưa một địa phương nào có liên hệ lại.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội y học VN cho rằng, đội ngũ tri thức lâu nay được nghe, nhưng nghe để nghe và nghe ít dùng.

Ông cũng cho rằng có sự hiểu sai khi nghĩ rằng trí thức cần tiền, cần nhà ở và đãi ngộ thì mới đóng góp.

“Người trí thức thích được nghe, được dùng hơn và điều này ít được quan tâm”.

GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng cũng chia sẻ nỗi buồn khoa học chưa được thực sự phát huy là động lực của phát triển.

Tuy nhiên, GS Long tỏ ra thực tế và cho rằng khoa học không nên quá lệ thuộc vào Nhà nước. Theo ông, khoa học trí thức phải xuất phát từ sản xuất, nhu cầu thực của cuộc sống. Bản thân các nhà khoa học phải năng động, tự chủ, không cứ nhất thiết muốn làm thành công phải xin tiền Nhà nước hoàn toàn.

Gắn bó với người sản xuất, doanh nghiệp, chắc chắn các nhà khoa học sẽ có đất dụng võ. Cá nhân ông đã có một trải nghiệm xác đáng như vậy khi tham gia công ty giống cây trồng trung ương.

Công ty này trước khi thuộc Nhà nước lỗ 4 tỷ đồng, nhưng sau cổ phần, đến nay có thể lãi sau thuế 10 tỷ đồng.

Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò thiết yếu của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức trong các mục tiêu phát triển của đất nước. Đặc biệt là vai trò giám sát và phản biện chuyên sâu.

Để góp phần hiện thức hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp vào 2020, MTTQ sẽ phát huy vai trò giám sát và phản biện của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Linh Thư - Hồng Nhì