- Câu chuyện ở Quảng Ninh cho thấy, ngoài sự bất thường của thời tiết 55 năm mới có một lần mưa lớn và kéo dài đến thế, có sự chủ quan lơ là...

Thiên tai, thời tiết ngày càng diễn biến bất ngờ, khó lường dễ khiến mọi hậu họa thiên tai thường được xếp chung một “rọ” là biến đổi khí hậu. 

Nghĩa là nếu do biến đổi khí hậu gây ra thì dễ… vô can, đã tại biến đổi khí hậu thì khó phòng chống, thậm chí có ra sức “chủ động phòng chống” cũng khó có kết quả như mong muốn.

{keywords}

Trận mưa lịch sử khiến Quảng Ninh chìm trong biển nước

Khó có thể chấp nhận lối nghĩ thụ động hay đổ lỗi cho khách quan hay chủ quan một vụ việc cụ thể. Vấn đề luôn luôn đặt ra đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương là các kế hoạch, phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đều đã được xây dựng, bàn thảo, công bố và triển khai thực hiện.

Tại sao lại có việc đổ lỗi cho dân, cho dự báo, cho hệ thống thoát nước… mà không thấy lỗi của những người mang trọng trách chỉ huy phòng chống bão lụt cho đến các thành viên phụ trách, các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ? 

Ai cũng biết trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão là người bận trăm công nghìn việc nhưng chế độ kiểm tra, báo cáo ở đâu, hay chỉ kiểm tra lấy lệ, làm báo cáo và đọc qua loa, xem xong để đó, khi có chuyện xảy ra thì lại có một danh sách nguyên nhân khách quan?

Câu chuyện mới nhất ở Quảng Ninh cho thấy, ngoài sự bất thường của thời tiết 55 năm mới có một lần mưa lớn và kéo dài đến thế, có sự chủ quan lơ là trong việc kiểm tra, xử lý không triệt để các bãi thải xỉ than xung quanh khu vực dân cư. 

Việc xem xét trách nhiệm của các đơn vị khai thác sau khi có ý kiến của người dân bị buông lỏng, rõ ràng có nguyên nhân từ phía chính quyền cơ sở, địa phương.

Ở nước ta, những trận bão lớn, những trận lụt lịch sử không phải là chuyện hiếm, bất ngờ và đã có rất nhiều bài học, kể cả từ những việc rất nhỏ.

Trong một lần trực tiếp đi bộ, lội suối sâu vào vùng Nạm Giải - Quế Phong bị lũ lụt chia cắt (2007), ông Nguyễn Thế Trung, bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã nhận thấy nơi này không nên viết vẽ phương án cao siêu, xa vời nào. 

Đơn giản đường qua mỗi khúc sông, đoạn suối, hãy bố trí cọc cắm và những đoạn dây dài, bền chắc, để khi mưa lũ bất ngờ, bất cứ ai qua lại cũng có thể nắm lấy dây mà vượt qua an toàn.

Mưa gió, lũ lốc bất ngờ hay kéo dài, việc áp dụng “kỷ luật” như thời chiến là vô cùng quan trọng, trong đó bảo toàn tính mạng con người phải được đặt lên hàng đầu. Không hiếm lần sơ tán dân triệt để, sau đó không có bão, lụt nhưng tuyệt đối không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác.

Trong những thời khắc cam go như lũ lụt chia cắt, cô lập với bên ngoài, rất cần những quyết định táo bạo, đột phá, tạo niềm tin cho người dân yên tâm chống chọi với “giặc” nước.

Bí thư Nghệ An Nguyễn Thế Trung từng phải băng rừng lội suối đến vùng sâu Nậm Giải sau hàng tuần không nối thông liên lạc năm 2007. Mới đây là Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc áo quần ướt đẫm kịp thời đến với bà con.  

Nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng từng có mặt cùng hàng cứu trợ khi đến TP Huế đang bị lũ lụt chia cắt năm 1999…

Sự chủ động ứng phó trong bối cảnh thiên tai bất ngờ và khó lường phải mang tinh thần kỷ luật thép, cho dù “anh” biến đổi khí hậu có cố tình gây ra những điều gì đi nữa.

Châu Phú