Nếu hành xử của Bắc Kinh khiến láng giềng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington thì điều đó chỉ gây rắc rối cho TQ khi tự họ đẩy mình vào thế cô lập trong khu vực và đối đầu trực tiếp với Mỹ.


{keywords}
Ảnh: AP

Mùa bão đã bắt đầu ở Biển Đông. Nhưng nguy hiểm hơn những trận cuồng phong phá hủy nhà cửa, cây cối là một cơn bão chính trị đang đe dọa hòa bình tại một trong những điểm nóng nhất thế giới.

Trong vài tháng qua, TQ đã có nhiều tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông khi tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh để khẳng định yêu sách chủ quyền với các đảo, bãi cạn và bãi ngầm trong khu vực mà những nước khác có chủ quyền.

Quan chức ngoại giao, quốc phòng cấp cao Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc TQ gây bất ổn trong khu vực và đe dọa láng giềng. Cam kết nhiều lần lặp lại của TQ về "phát triển hòa bình", về "hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện" với Đông Nam Á trở nên xáo mòn. Thêm vào đó là sự mơ hồ về những mục tiêu của Bắc Kinh.

Thậm chí ngay ở chính Bắc Kinh cũng có sự mơ hồ về những động thái của họ, giữa phe ôn hòa và phe chủ trương dùng sức mạnh. Theo giới phân tích, nếu hành xử của Bắc Kinh khiến láng giềng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington thì điều đó chỉ gây rắc rối cho TQ khi tự họ đẩy mình vào thế cô lập trong khu vực và đối đầu trực tiếp với Mỹ.

“Một số người trong hệ thống đang tự hỏi, liệu việc này có gây phản ứng ngược", Christopher Johnson, một nhà phân tích TQ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói.

Cố thay đổi thực tế thực địa

Mục tiêu mơ hồ nhưng những gì trong thực tế mà TQ đang làm ở Biển Đông lại trở nên rõ ràng.

Ngày 1/1, họ áp đặt quy định yêu cầu bất kỳ ai đánh bắt ở vùng biển mà họ yêu sách chủ quyền (lên tới 90%) ở Biển Đông, phải có sự cấp phép từ nhà chức trách TQ. Tháng 3, tàu phòng vệ bờ biển TQ đã ngăn chặn binh lính Philippines tiếp cận tàu tiếp tệ ở bãi Thomas II.

Trong vài tháng qua, tàu nạo vét TQ đã được điều động để làm đảo nhân tạo ở Johnson South Reef (tức đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và thậm chí dự định xây đường băng ở đây. Tháng 5, công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ đã đưa giàn khoan trái phép tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. TQ đã điều động đội tàu hộ tống hùng hậu đi theo giàn khoan này...

Mọi động thái trên đều vi phạm thỏa thuận DOC mà TQ đã ký với ASEAN 12 năm trước khi các bên cam kết "tự kiềm chế trong việc tiến hành các hành động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định".

“TQ rất tranh thủ cơ hội, thúc đẩy và tăng tốc những gì họ có thể, chiếm giữ nhiều nhất những gì họ có thể", David Arase, giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins nói. 

Bằng việc tiến hành từng bước nhỏ để tránh khiêu khích Washington hành động nhằm hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, TQ đang cố gắng "làm nản lòng" các đối thủ tuyên bố chủ quyền và "khiến họ phải từ bỏ quyền lợi của mình", ông nói.

TQ luôn khẳng định hành động của họ là hợp pháp, rằng họ có "chủ quyền không tranh cãi" với toàn bộ các đảo ở Biển Đông cùng vùng nước lân cận bất chấp những khu vực này cách đất liền bao xa hay gần với đường bờ biển của các nước khác thế nào. 

Bắc Kinh đưa ra bản đồ 9 đoạn khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bản thân họ chưa từng giải thích rõ ràng về tấm bản đồ này. Nhưng đang cố gắng bảo vệ tấm bản đồ ấy bằng cách thay đổi sự thực trên thực địa.

Không thể bao biện

Cái giá mà TQ phải trả cho sự áp chế láng giềng cũng không nhỏ. Hành xử của TQ gần đây đã khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, khiến khu vực thêm lo ngại và bất an. Một cuộc thăm dò tháng 7 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, đa số người dân ở 8/10 quốc gia láng giềng TQ lo ngại các tham vọng lãnh thổ của TQ có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Các láng giềng TQ giờ đây không còn tin khẳng định của Bắc Kinh rằng, họ có thể trực tiếp giải quyết bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ. Cũng không có nước nào nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về một hệ thống an ninh mà TQ làm trung tâm thay thế hệ thống cũ mà Mỹ nắm giữ suốt 70 năm qua. 

Ông Tập nói trong một hội nghị quốc tế ở Thượng Hải hồi tháng 5 rằng: “Người châu Á cần điều hành các công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề châu Á và duy trì an ninh châu Á".

Những mục tiêu quan trọng hàng đầu và dài hạn của TQ trong yêu sách chủ quyền hàng hải, theo Rory Medcalf - phụ trách chương trình an ninh quốc tế Viện Lowy, là "đảm bảo rằng không có điều gì xảy ra ở Biển Đông mà không có sự can dự của TQ" và "đảm bảo tự do tối đa cho lực lượng hải quân để trở thành người chơi chiếm ưu thế trong vùng biển này".

Các cố vấn chính sách cho chính phủ TQ cho rằng, những mục tiêu này có thể dễ dàng đạt được nếu các láng giềng TQ tin tưởng hơn; họ đang thúc giục việc tái lập lại quan hệ ngoại giao của TQ trong khu vực. 

"Hải quân TQ có thể đánh bại mọi lực lượng hải quân ASEAN. Vấn đề là có đáng để làm điều đó", Xue Li, trưởng ban chiến lược quốc tế Viện Khoa học xã hội TQ nói. 

“Biển Đông có thể là một chiến trường thực sự và điều đó rất có hại với tương lai TQ", Zhu Feng thuộc Đại học Nam Kinh, TQ nhận định. 

Thái An (theo csmonitor)