Liên quan đến con số này, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, trong tổng nguồn lực của Chương trình giảm nghèo, phần dành cho địa bàn miền núi của đồng bào dân tộc chiếm hơn 80%. Và các hệ thống chính sách dành cho khu vực này rất lớn.

Tuy nhiên, tại sao tỷ lệ hộ người nghèo dân tộc thiểu số ngày càng tăng trên tổng số hộ nghèo vì xuất phát điểm quá cao. Nhiều nơi có thể giảm 3-4%, có nơi 5-7%, trên cả nước là 1,5%. Nhưng vì đang ở mức độ quá cao, nên rất khó để “chạy theo” tỷ lệ trung bình được.

{keywords}
IMG_8979.jpg

Bên cạnh đó, có một điểm nữa chúng ta phải công nhận theo quy luật. Ở các địa bàn khó khăn, khả năng chấp nhận của người dân không thể bằng nơi khác được, mặc dù đã có sự ưu tiên nhưng cần có thời gian.

Thứ hai, có một đặc điểm vừa qua chúng tôi cũng muốn thông tin thêm. Ở các tỉnh miền núi phía bắc, tỷ lệ tái nghèo là rất thấp. Thí dụ như ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang … tỷ lệ tái nghèo chỉ ở mức hơn 40 người mỗi năm, là con số rất thấp, trừ trường hợp của Sơn La, do hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai.

Quay trở lại câu hỏi về khả năng thoát nghèo, theo Quyết định 1722/2016 của Chính phủ và theo Nghị quyết 30a, phấn đấu đến năm 2020, chúng ta có 50% số huyện thuộc diện Nghị quyết 30a ra khỏi tình trạng khó khăn. Hiện nay chúng ta mới có tám huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, và 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a nữa.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí xác định các hộ nghèo một cách công khai, gồm năm tiêu chí. Hằng năm chúng tôi đều rà soát vào báo cáo Chính phủ. Sau 12 năm thực hiện và căn cứ tình hình thực tế tại nhiều huyện, chúng tôi cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 50% số huyện nghèo ra khỏi diện 30a là có thể đạt được.

Tuy nhiên, tại các huyện đặc biệt khó khăn, chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư, thí dụ như huyện Mường Lát (Thanh Hóa), huyện Bác Ái (Ninh Thuận)…

Tương tự đối với các xã, mục tiêu 30% số xã khó khăn ra khỏi tình trạng khó khăn, chúng tôi cho rằng kết quả sẽ đạt được cao hơn.

Vừa rồi, chúng tôi đi một loạt các xã, các tỉnh thì đều được các địa phương thông tin rằng, bảo đảm đến năm 2020, số các xã này đều đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và “xấp xỉ” xã nông thôn mới. Thậm chí, với khoảng 500 xã thuộc diện 135 (Chương trình giảm nghèo quốc gia), mục tiêu đến năm 2020 từ 20% đến 30% ra khỏi tình trạng khó khăn là hoàn toàn có thể đạt được.

Box: Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP nêu rõ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo bền vững nói riêng là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, chính sách giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách cần được tập trung thực hiện trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số chính sách đầu tư còn dàn trải, phân tán; một bộ phận dân cư, chính quyền địa phương còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách cấp trên; kinh phí đối với các huyện nghèo, huyện hưởng cơ chế, chính sách theo huyện nghèo còn tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến tạo sinh kế cho người dân; chưa khuyến khích và đánh giá cao người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2017-2020.

Các địa phương rà soát, báo cáo lại các tiêu chí quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.

Thành lập Hội đồng thẩm định gồm thành viên là đại diện các Bộ, cơ quan nêu trên, mời Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia để rà soát, đánh giá, đề xuất các huyện tiếp tục được thực hiện, các huyện đưa ra khỏi danh sách thực hiện Nghị quyết 30a; các huyện được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2017 bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg, có tính đến đặc thù vùng miền; công khai, minh bạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hơn vào hỗ trợ tạo sinh kế cho nhân dân; phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, huyện hưởng một số cơ chế, chính sách theo huyện nghèo giai đoạn 2017-2020.

Bài: Hữu Khôi - Nhóm PV
Ảnh: Văn Quý - Nhóm PV