Sáng 3/10, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) TP Hà Nội lần thứ III đã khai mạc phiên chính thức, với sự tham dự của 241 đại biểu, đại diện cho hơn 108.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Thủ đô.

Dự kiến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 3%

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Đại hội đại biểu các DTTS thành phố lần thứ III nhằm tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

{keywords}

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá chính xác thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn DTTS và miền núi từ Đại hội lần thứ II đến nay. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc ở các địa phương và của thành phố giai đoạn 2019-2024.

Báo cáo Đại hội, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, thời gian qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 12%, thu nhập bình quân đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm.

Đến cuối năm 2016, thành phố không còn xã khu vực 3 và thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi là 3,7%, dự kiến hết năm 2019 còn 3%. Cùng với đó, 14/14 xã dân tộc miền núi của thành phố đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 100% số người nghèo, cận nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Những kết quả của công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố trong giai đoạn 2014-2019 đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô.

Vui mừng trước những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con

Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong những năm qua, TP đã quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn 2013-2015, TP đã bố trí ngân sách 837,5 tỷ đồng đầu tư thực hiện 105 dự án. Giai đoạn 2016-2020, ngân sách TP dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đến nay, đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án vùng đồng bào DTTS, hầu hết các dự án được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả.

Ghi nhận những bước tiến rõ rệt trong kinh tế xã hội, đời sống nhân dân các xã miền núi vùng đồng bào DTTS, lãnh đạo UBND Thành phố đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ vui mừng trước những đổi thay của bộ mặt nông thôn mới vùng dân tộc miền núi, mà còn được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc giỏi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng; mở thêm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng.

Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào DTTS vẫn còn đối diện nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dần thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và vùng miền núi của Thủ đô. Trước mắt, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất đối với 14 xã dân tộc miền núi giai đoạn 2019-2020.

Trước đó, ngày 2/10, tại buổi gặp mặt 50 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các DTTS TP Hà Nội lần thứ III năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương những cố gắng vươn lên, những đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số cho sự phát triển của thành phố.

Bí thư Hoàng Trung Hải đánh giá, diện mạo các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô đã thay đổi về cơ bản. 7/14 xã có người dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3%; có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn cả mức bình quân của thành phố.

Bài: Nguyễn Mạnh Hưng - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV