Một câu hỏi gần đây mà giới phân tích đưa ra là: Nếu Mỹ đưa vào sử dụng chiến lược Tác chiến Không Hải (ASB) để đối phó với chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) của Trung Quốc, ai sẽ thắng?


Câu trả lời khá đơn giản: Không ai cả. Trước hết, điều đặt ra với cả hai chiến lược này là: xung đột xảy ra trong tình huống nào và có thể leo thang tới đâu. Nếu phải so sánh chiến lược ASB và A2/AD, thì sự thật lại nằm ở tiểu tiết. Trong khi mọi người đưa ra câu hỏi và phân tích về thứ vũ khí nào được triển khai hay sử dụng ra sao, thì tình huống sử dụng các loại vũ khí ấy và điều gì xảy ra tiếp theo mới là điều quan trọng.

{keywords}
Sau tất cả, nếu xung đột xảy ra sẽ không ai thắng, tất cả đều thua. Ảnh: Chosun

Hãy xem xét các điểm nóng mà lực lượng Mỹ và Trung Quốc có thể đụng độ: khủng hoảng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay tình huống liên quan đến căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong hai điểm nóng này, khả năng xảy ra xung đột lớn nhất đó là ở Hoa Đông. Viễn cảnh bắt đầu có thể liên quan tới một sự cố va chạm các tàu hàng hải hay máy bay. Những nỗ lực ngoại giao không thành và vì một số lý do, một số người nào đó muốn vấn đề leo thang, muốn quân đội tới các đảo tranh chấp hoặc sự cố đọ súng xảy ra. Ở trường hợp này, hãy giả thiết lực lượng Mỹ tới hỗ trợ cho Nhật Bản.

Vậy điều gì xảy ra tiếp theo? Rất khó dự đoán nhưng thử xem một số kết luận từ các học giả Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này.

Khi xem xét chiến lược A2/AD của Trung Quốc, một lý thuyết phổ biến cho rằng, Trung Quốc sẽ dốc toàn lực - tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào các căn cứ của Mỹ và Nhật Bản để giành lợi thế và nhanh chóng chiến thắng. Tên lửa các tầm bắn và khả năng khác nhau có thể được nhanh chóng phóng tới sân bay của đối phương nhằm phủ nhận ưu thế trong công nghệ hay huấn luyện. Các vũ khí chống hạm có thể được sử dụng hàng loạt để tấn công lực lượng hải quân - đặc biệt là tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo. Thuỷ lôi và tàu ngầm có thể được điều động xung quanh quần đảo tranh chấp nhằm ngăn chặn chi viện lực lượng. Vũ khí chống vệ tinh cũng có thể được sử dụng để “làm mù” lực lượng dối phương cũng như phá hoại hệ thống chỉ huy. Các vũ khí ảo cũng được dùng để giành thế thượng phong.

Rất nhiều chiến lược gia Trung Quốc lập luận rằng, sẽ là lợi thế nếu Bắc Kinh tấn công phủ đầu, hàng loạt và với lực lượng áp đảo, tạo ra “cú sốc và sự sợ hãi” với tên lửa làm trung tâm.

Vậy Mỹ và đồng minh sẽ phản ứng thế nào? Một lần nữa lại rất khó dự đoán và phụ thuộc nhiều vào việc bên nào tấn công phủ đầu. Nếu giả định Trung Quốc ra tay trước, thì lực lượng Mỹ và đồng minh sẽ phải nỗ lực giữ vững sự tiếp cận với các tuyến đường biển và khả năng di chuyển lực lượng vào khu vực tranh chấp nhằm phát huy ưu thế sức mạnh quân sự.

Việc phòng thủ trước tên lửa của Trung Quốc có thể gặp thách thức nếu số lượng tên lửa triển khai nhiều hơn các tên lửa đánh chặn sẵn có. Mỹ có thể tấn công phủ đầu vào lực lượng tên lửa thông thường của Trung Quốc nếu cơ quan tình báo dò xét được số tên lửa định phóng. Họ cũng có thể triển khai cuộc tấn công ảo nhằm vào hệ thống dẫn đường và điều khiển của các vũ khí này. Lực lượng Mỹ có thể tìm cách phá huỷ hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc để khiến PLA bị “mù” không phối hợp tác chiến được.

Trong khi chi tiết tác chiến hay khả năng triển khai các vũ khí công nghệ cao, chiến thuật quân sự mới được đặt ra, thì nhân tố chủ chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào chính là quyết định sử dụng lực lượng quân sự. Mỹ, Nhật hay Trung Quốc sẽ định đoạt thế nào khi xung đột leo thang? Ai đủ dũng cảm hình dung hay đưa ra phán quyết khi cả Mỹ và Trung Quốc sở hữu kho hạt nhân có thể giết chết hàng tỉ người?

Rõ ràng là, dù Trung Quốc hay đồng minh giành chiến thắng thì đều có ảnh hưởng tới khu vực nếu không nói là toàn cầu. Và điều gì xảy ra khi không bên nào giành thắng lợi rõ ràng? Trong mọi viễn cảnh thì kinh khủng nhất là sự bế tắc. Liệu Hàn Quốc hay Nhật Bản có cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân? Liệu có một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc? Liệu cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á trở nên khốc liệt hơn? Dường như, sự bất ổn lớn hơn đang tiềm ẩn trong tương lai của châu Á.

Hy vọng rằng, nếu một sự cố xảy ra xung quanh quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông, thì những cái đầu lạnh cần xem xét mọi tình huống một cách toàn diện trước khi máu có thể đổ. Chỉ một điều rõ ràng có thể khẳng định sau tất cả: Đó là, không ai thắng, tất cả đều thua.

Thái An (theo Diplomat)