- “Việc tố cáo tiêu cực phải có bằng chứng, cấm quay phim, ghi hình thì chúng tôi lấy gì ra làm bằng chứng?”, một độc giả bức xúc trong cuộc tranh luận về vụ việc Chuyện lạ - “Cấm” công dân và nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ?

Sao phải sợ quay phim, chụp hình?

Liên quan đến văn bản “cấm” công dân và nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), một cuộc tranh luận đã nhanh chóng nổ ra trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội.

Đa số các độc giả đồng tình với bạn đọc Trần Minh Quang khi độc giả này chia sẻ trên VietNamNet: “Nếu CSGT làm việc nghiêm túc không có khuất tất, tiêu cực thì sợ gì bị quay phim chụp ảnh? Chỉ có làm điều gì khất tất mới sợ bị ghi hình”.

{keywords}
Hình ảnh thân thiện, lấy được thiện cảm từ người dân của những "bóng hồng" xuống phố (Ảnh: VietNamNet)

Độc giả ở email Viet172@yahoo.com cũng phản biện: “Nếu CSGT hoạt động minh bạch, đúng pháp luật thì được người dân hay nhà báo quay phim, chụp ảnh để nhân rộng hành vi đẹp thì càng tốt chứ sao?”.

Trên diễn đàn một tờ báo mạng, bạn đọc Lê Nguyễn thắc mắc: “Tại sao xe khách phải có camera hành trình, GPS đầy đủ mà xe cảnh sát thì không có? Nhiều nước thậm chí trên xe cảnh sát còn buộc phải có camera, ghi âm trong suốt thời gian ca trực. Quy định này không chỉ để chống tiêu cực của ngành mà còn giúp minh oan cho nhân viên công lực nếu lỡ xảy ra kiện cáo, còn nước ta tại sao lại cấm?”.

Một người đọc khác cũng bức xúc: “Tôi chụp ảnh một anh CSGT đang nhận hối lộ của tài xế lái xe thì lúc ghi hình tôi xin phép ai đây?”.

Tương tự, trên Webtretho, bạn HongNhung72 hoài nghi “Trước khi quay hình cảnh sai phạm mà lại xin phép chủ nhân thì sự thật được tìm thấy bằng cách nào?”.

Một thành viên khác của diễn đàn này cũng nhấn mạnh: “Chụp công khai thì làm sao có được những bức ảnh chân thực thể hiện những tiêu cực, những điểm chưa tốt được nhỉ?”.

Độc giả Apeti viết: “Đường dây nóng nhận phản ánh tiêu cực luôn yêu cầu chi tiết, bằng chứng cụ thể. Nếu không quay phim chụp ảnh thì chúng tôi lấy đâu bằng chứng? không khéo tôi lại bị gán cho tội vu khống người thi hành công vụ?”.

Quy định này nhanh chóng cũng làm nóng mạng xã hội Facebook. Một ý kiến tham gia tranh luận về chủ đề này cho rằng: “Muốn hình ảnh mình tốt, đẹp thì bản thân mình phải tốt chứ không thể cấm người dân, nhà báo chụp cái xấu để hình ảnh CSGT đẹp lên. Việc thực hiện quay phim, chụp ảnh là quyền của người dân và đó là hoạt động thể hiện chức năng kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan công an. Do đó người dân sử dụng máy quay phim, chụp ảnh đối với công an không phải là sai phạm”.

Một ý kiến khác cũng rất thuyết phục khi cho rằng: “Thế nào là "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra"? Thế nào là "công khai minh bạch"? Chụp ảnh người đang thi hành công vụ có phải là chụp ảnh đời tư đâu mà phải có đồng ý của ai? CSGT đang thi hành công vụ thì đương nhiên phải chịu sự giám sát của người dân có phải đang làm nhiệm vụ gì bí mật đâu mà lại không cho người ta chụp ảnh mình?”.

Nếu đẹp sao phải “áo gấm đi đêm”?

Bạn đọc Lê Trực phản bác lại quy định trên bằng một dẫn chứng khá thuyết phục. Độc giả này viết: “Nếu không có người dân tốt bụng quay và cung cấp clip vụ“CSGT Thanh Hóa nổ súng, 2 người bị thương” thì bây giờ có lẽ các anh công an đã vướng vào tù tội rồi”.

Theo độc giả này, clip đó không chỉ giúp cho mọi người có thêm cái nhìn đầy đủ, toàn diện về vụ việc, mà còn là một minh chứng phần nào làm giảm nhẹ đi hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ bắn thẳng vào người khiến hai nạn nhân bị thương của người thi hành công vụ ở Thanh Hóa vừa qua.

{keywords}
Hình ảnh trong clip vụ CSGT truy đuổi, bắn hai người vi phạm giao thông ở Thanh Hóa do người dân cung cấp 



Bạn đọc Nguyen Manh Hung có email nmh@netnam.vn cũng cho rằng: “Việc gì phải cấm ai quay phim và chụp ảnh trong lúc các đồng chí CSGT làm nhiệm vụ để đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt. Các hình ảnh đẹp đó đáng được trân trọng và đăng tải làm gương cho xã hội, tăng niềm tin của người dân hơn chứ”.

Một độc giả khác cũng cho rằng, anh vô cùng xúc động khi xem các hình ảnh về những “bóng hồng” CSGT xuống phố. Trong tiết trời se se lạnh, hay oi bức hình ảnh các CSGT đứng trên bục, tay cầm gậy điều khiển giao thông tạo nên hình ảnh đẹp trên đường phố. Những hình ảnh đó khiến người thi hành công vụ trở nên rất đỗi giản dị, gần gũi với người dân.

Bên cạnh sự phản đối việc cấm ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ, nhiều bạn đọc cũng có cái nhìn trái chiều. Độc giả Lê Tâm cho rằng: “Nhiều người dân buôn cũng còn chả thích khách vào chụp ảnh hàng hóa của người ta huống chi là công an đang làm nhiệm vụ”.

Thành viên có nickname Danny95 cũng phân tích: “Đối với tất cả mọi người, việc bị một người lạ quay phim luôn là vấn đề không thoải mái. Mọi người ra đường mà tự dưng bị người lạ lăm lăm chĩa ống kính máy ảnh vào thì có khó chịu hay không?”

Trên báo Tuổi trẻ, một độc giả cũng phân tích kỹ càng: “Nếu đối tượng bị quay phim không bằng lòng thì chúng ta buộc phải tôn trọng họ, vì lúc này họ cảm thấy quyền tự do cá nhân đang bị quấy rầy. Đối với cảnh sát cũng vậy, họ cũng là con người và có quyền cảm thấy tự do cá nhân đang bị xâm phạm khi phát hiện bị theo dõi qua camera. Ngoài ra với tư cách là đại diện của cơ quan công quyền, người ta có lý do chính đáng để ngăn cản việc họ bị quay phim như: cản trở người thi hành công vụ, để lộ bí mật điều tra, bí mật nghiệp vụ…”.

Tuy nhiên các ý kiến này không thuyết phục được đa số những người tham gia diễn đàn. “Trong trường hợp là hình ảnh cá nhân của mỗi người người dân, nhà báo muốn chụp ảnh, phải xin phép là đúng. Thế nhưng CSGT thay mặt cho nhà nước đang thi hành công vụ thì người dân, nhà báo có quyền ghi lại hình ảnh nhân viên nhà nước đang thực thi công vụ chứ không phải cá nhân. Báo chí hoàn toàn có quyền làm việc này”, bạn đọc Lê Anh (Lạng Sơn), phản bác trên diễn đàn của VietNamNet.

Lê Lan (Tổng hợp)