Chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với đoàn cán bộ chuyên gia và DN của Liên bang Nga do ông Mamonov, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng dẫn đầu.

Buổi làm việc nhằm học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Việt Nam.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên Bang Nga Mamonov

Nâng cao khả năng phòng, chống tấn công mạng, lộ lọt thông tin

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Medvedev (tháng 11/2018), tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phía Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng. 

Tháng 12/2018, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã đến Liên bang Nga để nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử và hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nga có những chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và đạt được những kết quả là các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử.

Sự thành công của Nga được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Nga năm 2018 xếp thứ 32/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển rất cao và xếp thứ 10 thế giới về an ninh mạng năm 2017.

"Để khắc phục tình trạng Việt Nam vẫn là một trong số các nước có nguy cơ cao về mất an toàn, an ninh thông tin và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ xấu, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc nâng cao khả năng phòng, chống tấn công mạng, lộ lọt thông tin cũng như phát huy tối đa năng lực của các DN Việt Nam trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông cũng nêu thực tế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là vấn đề khó nhất. Ở Việt Nam, bộ, ngành, địa phương nào cũng có trung tâm dữ liệu, các dữ liệu nằm phân tán, không phải dữ liệu tinh, chưa được chuẩn hóa, số liệu không được cập nhật.

Việt Nam hiện chưa có cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư, chưa có mã định danh công dân; 63 tỉnh, thành phố hiện đều thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới chỉ khoanh ở phạm vi “biên giới của tỉnh".

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Do vậy, Việt Nam mong muốn Nga chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống Chính phủ điện tử và hỗ trợ, tư vấn Văn phòng Chính phủ thiết kế Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống tương tác với người dân, DN.

Việt Nam muốn vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) thông tin, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, chỉ số dịch vụ công xếp 59/193, chỉ số hạ tầng viễn thông 100/193, chỉ số nguồn nhân lực 120/193. Hiện Việt Nam đang gặp 4 khó khăn và thách thức trong xây dựng Chính phủ điện tử, đó là về con người, thể chế, công nghệ và nguồn lực.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN.

Đồng thời, Việt Nam muốn phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Từ đó nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 – 15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Để đạt được những mục tiêu này, theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử...

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên Bang Nga Mamonov

Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga Mamonov đánh giá cao mục tiêu Việt Nam đặt ra là trở thành quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao. Nga cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Không để tình trạng 'tắc đường, tắc tiền' khi xây dựng Chính phủ điện tử

Không để tình trạng 'tắc đường, tắc tiền' khi xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng “tắc đường tắc tiền” khi triển khai các dự án ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử.

Thu Hằng