- Sở GTVT TPHCM vừa có báo cáo lên UBND TPHCM về tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố trong trận mưa chiều ngày 15/9/2015.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT nêu rõ trong báo cáo: ngày 15/9, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện mưa trên diện rộng với vũ lượng mưa từ 92mm (trạm Lý Thường Kiệt) đến 142mm (trạm An Lạc) và kéo dài nhiều giờ từ 15h30’ đến 21h30’.

{keywords}
Trận mưa lịch sử chiều 15/9/2015 khiến 72 tuyến đường ở TPHCM bị ngập từ 0,1 đến 0,6m

Do đó, mưa lớn đã gây ngập 72 tuyến đường trên địa bàn thành phố, với độ sâu ngập từ 0,1m đến 0,6m. Trong đó có 8 tuyến đường ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m. Trong đó ngập nặng nhất là tại 2 điểm: Nguyễn Hữu Cảnh (0,6m) và Kinh Dương Vương (0,5m).

Theo Sở, nguyên nhân ngập là do hệ thống thoát nước của thành phố đã được đầu tư xây dựng, thiết kế với các thông số tính toán theo Quy hoạch tổng thể thoát nước không còn phù hợp với diễn biến mưa, triều của thành phố hiện nay. Các tuyến thoát nước cấp 1 (kênh, rạch), cống cấp 2, cấp 3 lần lượt được tính toán với mưa có cường độ 95,91m; 85,36mm; 75,88mm trong 3 giờ, ứng với mực nước triều +1,32m.

Trong trận mưa ngày 15/9/2015 vừa qua, mưa có vũ lượng lớn (92mm÷142mm), cường độ mưa đạt mức 114mm trong 2 giờ; triều 1,4m; cả 2 yếu tố này đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện hữu của thành phố. Do đó, có thể đánh giá nguyên nhân ngập là do mưa lớn, vượt ngoài khả năng thoát nước của cống.

Trước mắt, Sở yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra để vệ sinh, nạo vét máng lưỡi, miệng thu để nâng cao hiệu quả thu nước, không để tình trạng nghẹt miệng thu. Huy động bơm di động, mở nắp hầm ga khi có mưa lớn để giảm mức độ ngập.

Về lâu dài Sở cho biết, sẽ thực hiện nạo vét các sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố nhằm tăng dung tích trữ nước, khả năng thoát nước.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và Ủy ban nhân dân các quận/huyện theo phân cấp quản lý: rà soát, xây dựng kế hoạch nạo vét các kênh rạch phục vụ thoát nước.

Đầu tư xây dựng 8 cống thuộc địa bàn thành phố: Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, và rạch Nước Lên để kiểm soát mức triều trên sông.

Nhanh chóng hoàn tất quy hoạch và xây dựng hồ điều tiết phân tán, tập trung để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước đã được đầu tư xây dựng.

Trung tâm chống ngập đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch hồ điều tiết phân tán để giảm ngập cho khu vực TPHCM.

Tăng diện tích mảng xanh và khả năng diện tích thấm trong quá trình cải tạo, xây dựng vỉa hè.

Tuấn Kiệt