Hai thượng nghị sĩ danh tiếng của Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh rằng, những đụng độ gần đây giữa Trung Quốc với các láng giềng ở Biển Đông có thể gây nguy hiểm cho những “lợi ích quốc gia” của Mỹ trong khu vực.

Chúng tôi lo lắng rằng, hàng loạt vụ đụng độ hải quân trong vài tháng nay đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, John Kerry, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và John McCain, nguyên ứng viên Cộng hòa tranh cử tổng thống, nói. “Nếu không có những bước đi thích hợp để làm dịu tình hình, những sự cố tương lai có thể leo thang, gây nguy hiểm cho các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ”.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry Ảnh: usatoday

Cảnh báo của các thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra trong một bức thư gửi tới ông Đới Bỉnh Quốc – quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc – trước một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN và những đối tác đối thoại trong tuần này.

Trong thư, các thượng nghị sĩ Mỹ nói rõ: “Chúng tôi đánh giá cao các tuyên bố công khai của Trung Quốc trong việc hỗ trợ hòa bình, ổn định và thiết lập luật pháp quốc tế, và chính chúng tôi cam kết sâu sắc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc này. Tuy nhiên, các phương pháp quyết đoán mà Trung Quốc thực hiện đối với tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông, cùng với tuyên bố mở rộng “chủ quyền không thể tranh cãi” trên các vùng biển này dường như mâu thuẫn với ưu tiên đã được Trung Quốc thể hiện rõ ràng về một giải pháp hòa bình, đàm phán về các tranh chấp trên Biển Đông”.

Thượng nghị sĩ Mỹ bày tỏ: “Trong những tháng tới, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc giúp giảm căng thẳng và tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh trong khu vực... Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên quan tâm, thực hiện quyết định tốt và kiềm chế và theo đuổi một giải pháp hòa bình về tất cả các tuyên bố thông qua các đàm phán đa phương”.

Bắc Kinh sẽ phản ứng?

Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể coi những bình luận trên như hành động khiêu khích khi các nghị sĩ Mỹ lặp lại tuyên bố của bà Hillary Clinton, vị ngoại trưởng Mỹ vào năm ngoái đã chọc giận Bắc Kinh. Nói ở Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội tháng 7 trước, bà Clinton khẳng định, Mỹ có “một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải ở Biển Đông”. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng khá giận dữ.

Bà Clinton dự kiến cũng sẽ phát biểu tại diễn đàn tương tự tổ chức ở Bali, Indonesia vào cuối tuần này vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông lên mức cao hơn so với một năm trước. Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc quấy nhiễu tàu cá, cắt cáp tàu thăm dò và nói rằng Trung Quốc hành xử ngày một gây hấn hơn.

Biển Đông bao gồm những tuyến đường biển quan trọng sống còn với phần lớn lượng dầu nhập khẩu của đông bắc châu Á và những hoạt động thương mại khác với châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và đông nam châu Á. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với vùng biển này, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.

Bình luận của các thượng nghị sĩ Mỹ tiếp sau một giai đoạn khi chính quyền của Obama công khai giảm bớt sự chỉ trích với cách hành xử ngày một gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên này. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, Robert Gates – khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - đã làm thất vọng một số quan chức Đông Nam Á bằng tuyên bố khá “mềm” với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gates đã tái đảm bảo với các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng, Washington sẽ duy trì “cam kết quân sự mạnh mẽ trong khu vực”.

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ trong tháng 1, hai nước đã nỗ lực làm cho quan hệ song phương trở nên tốt hơn và không để chệch hướng các cuộc đối thoại.

Kim Can Dung, một chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói: “Biển Đông chắc chắn sẽ là vấn đề nóng tại ARF. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ không thấy sự lặp lại những gì xảy ra trong năm ngoái, với cuộc “khẩu chiến” giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc”.

Liên quan tới tình hình Biển Đông, năm nghị sĩ Philippines đã lên kế hoạch tới thăm một hòn đảo mà Manila tuyeenboso chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Hôm qua, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, kế hoạch này là phá hoại quan hệ Trung Quốc – Philippines.

Cả chính phủ và lãnh đạo nghị viện Philippines đều không đề cập tới chuyến thăm này. Một người phát ngôn chính phủ khẳng định, đó là động thái không chính thức và sáng kiến riêng tư của các nghị sĩ. Tuy nhiên, những chính khách tổ chức chuyến thăm khẳng định, họ được sự cho phép của một chỉ huy quân sự Philippines trog khu vực để bay trên máy bay riêng ra đảo.

  • Thái An (Theo FT)