Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đi vào nơi tổ chức diễn đàn an ninh khu vực và nghe người đồng cấp Trung Quốc đưa ra cả một danh sách chỉ trích, phàn nàn chống lại Manila vì “khuấy động căng thẳng ở Biển Đông”.

Theo các quan chức ngoại giao Philippines, ông Del Rosario dự kiến không phát biểu nhưng sau khi nghe bài phát biểu của ông Vương Nghị trong cuộc họp ở Brunei hôm chủ nhật, ông đã giơ tay phát biểu và thẳng thắn đáp trả từng chỉ trích của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Singapore mô tả đó là “cuộc trao đổi căng thẳng”.

{keywords}

goại trưởng Philippines Albert del Rosario tại hội nghị ở Brunei. Ảnh: Reuters

Danh sách chỉ trích mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra với Manila bao gồm: quyết định kiện ra toà án quốc tế về chủ quyền hàng hải, tập trận quân sự chung với Mỹ ở gần bãi cạn tranh chấp. Ông Vương còn phàn nàn khi cho rằng Philippines để con tàu hải quân cũ ở bãi Thomas 2 nhằm khẳng định chủ quyền.

"Phản ứng của tôi đơn giản rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là Trung Quốc đưa ra lập trường họ có chủ quyền không thể tranh cãi với hầu như toàn bộ Biển Đông”, ông Del Rosario nói với báo giới sau cuộc họp. "Đó là yêu sách thái quá, chúng ta cần giải quyết vấn đề này phù hợp với luật pháp quốc tế. Nên tôi thúc giục mọi người ủng hộ”.

Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines vẫn hoan nghênh tiến bộ đạt được ở Brunei cho dù hiếm hoi. "Nó tốt hơn là một cuộc tán gẫu”, Evan Garcia, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines nói với báo giới. “Chúng ta phải khởi động một quá trình”.

Sự khác biệt với lối ngoại giao tế nhị thông thường nói trên trong các cuộc gặp đa phương là dấu hiệu mới nhất thể hiện tình trạng căng thẳng xung quanh cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - một trong những điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự tại châu Á.

Tiến triển hay giảm thiểu chỉ trích

Tuyên bố của Trung Quốc sau đó được coi là đánh dấu một chương mới trong nỗ lực giải quyết tranh chấp. Sau những năm đi ngược lại những nỗ lực của ASEAN để đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, Trung Quốc nói sẽ hội đàm với các quan chức cấp cao hai bên vào tháng 9. Bộ quy tắc ứng xử sẽ không động chạm vào chuyện tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, mà đưa ra “khuôn khổ quy tắc” cho hoạt động của tàu thuyền nhằm giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm dẫn đến xung đột ở Biển Đông.

Một quan chức cấp cao Mỹ tham dự hội nghị ở Brunei bình luận: "Chỉ đưa ra lời hứa đàm phán đơn giản là chưa đủ... Cần có nỗ lực chính thức để làm việc thực tế về một cơ chế hay thiết lập các cơ chế giảm thiểu căng thẳng”.

Biển Đông nóng lại như đổ thêm dầu khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trỗi dậy nhằm khẳng định quả quyết và mạnh mẽ hơn yêu sách chủ quyền rộng lớn trên vùng biển này. Bốn nước ASEAN có tuyên bố chồng lấn chủ quyền với Trung Quốc.

Washington, một đồng minh hiệp ước của Philippines khẳng định không đứng về bên nào, nhưng Ngoại trưởng John Kerry xác nhận tại Brunei rằng, Mỹ có lợi ích chiến lược trong đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này và mong muốn bộ quy tắc ứng xử được nhanh chóng ký kết.

Quân sự hóa

Rủi ro đối đầu càng gia tăng khi vài tuần gần đây, 3 tàu Trung Quốc được triển khai ở khu vực chỉ cách một bãi đá ngầm mà Philippines duy trì lực lượng quân sự khoảng 5 hải lý.

Trung Quốc chỉ trích Philippines hiện diện tại bãi cạn Thomas 2 là “chiếm đóng trái phép” cho dù khu vực này nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Điều tàu tới nơi tranh chấp là một phần chiến lược của Trung Quốc với lý do bảo vệ tàu cá, thông qua đó khẳng định yêu sách chủ quyền. Manila thẳng thừng chỉ trích động thái này là “gia tăng quân sự hóa” và đe dọa ổn định khu vực. Báo chí Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo một cuộc “phản công” chống lại Philippines.

Philippines có một trong những đội quân trang bị nghèo nàn nhất châu Á. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang theo đuổi một chương trình hiện đại hoá trị giá 1,8 tỉ USD và phục hồi kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân, hải quân mới ở Subic - nơi chỉ cách một trong những vùng tranh chấp nhất ở Biển Đông khoảng 124 hải lý.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuần trước tuyên bố: "Hãy yên tâm rằng, trước khi tôi mãn nhiệm, thì việc bảo vệ bầu trời của chúng ta sẽ được đổi mới, với các thiết bị hiện đại như máy bay chiến đấu, tuần tra tầm xa, trực thăng, rađa phòng không…”.

Thái An (theo Reuters)