Bức xúc vì không nhận được tiền đền bù thỏa đáng, nhiều người dân ở Quảng Nam đã góp tiền mua quan tài khiêng lên cao tốc để phản ứng.

Đến 18h30 ngày 10/11, sau khi được chính quyền địa phương hứa sẽ giải quyết thỏa đáng, anh Đoàn Văn Tịnh (41 tuổi, ngụ thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cùng người dân mới đem chiếc quan tài rời khỏi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Lúc 10h cùng ngày, anh đã mặc áo tang và cùng với nhiều người khác đưa chiếc quan tài trống lên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn đi ngang qua thôn Trà Lang) để phản đối TP Tam Kỳ và UBND xã Tam Ngọc trong việc giải tỏa đền bù.

Theo phản ánh của các hộ dân tại xã Tam Ngọc, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định về việc đền bù giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo quyết định này, đất nông nghiệp của họ được đền bù với giá 84.000 đồng/m2. Nhưng thực tế, người dân chỉ được chính quyền địa phương trả 44.000 đồng/m2. Chính quyền còn áp giá đền bù đối với những khu đất có mồ mả không đồng nhất.

"Khi chúng tôi phản ứng thì chính quyền mới nâng giá đền bù lên. Tuy nhiên, số tiền mà chúng tôi nhận được cũng thấp hơn so với số niêm yết tại trụ sở UBND xã", một người dân bức xúc.

Anh Tịnh thì kể, gia đình có mảnh đất rộng 2.015 m2, trồng cây lâu năm. Đất này thuộc diện phải thu hồi để triển khai dự án cao tốc. Năm 2011, lãnh đạo TP Tam Kỳ và UBND xã Tam Ngọc đến đo đạc, kiểm kê cây cối để làm cơ sở bồi thường. ​"Nhưng đã 4 năm ​qua, tôi vẫn không được nhận tiền đền bù, mặc dù toàn bộ diện tích đất đã bị san ủi", anh Tịnh nói.

{keywords}

Người dân khiêng quan tài lên cao tốc để phản ứng. Ảnh: Nguyên Vũ.

Sáng 10/11, người dân địa phương đã cùng góp tiền mua chiếc quan tài khiêng lên khu vực đất gia đình anh Tịnh để phản ứng. "Chúng tôi hết cách nên mới làm vậy. Nếu không khiêng quan tài lên đây để phản ứng thì không biết đến bao giờ mới nhận tiền đền bù", một người dân cho hay.

Ông Huỳnh Điệp, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ và lãnh đạo UBND xã Tam Ngọc đã tổ chức đối thoại với người dân. Ông Điệp thừa nhận, trong quá trình thực hiện với một số hộ dân có nhiều khó khăn do vướng hồ sơ thủ tục. Việc xác định nguồn gốc đất khó khăn. Cán bộ bồi thường có sai sót dẫn đến việc đền bù chậm, thiếu.

Ông cũng cho rằng, việc áp giá đền bù là không sai. Tuy nhiên, những lý lẽ mà vị này đưa ra thiếu thuyết phục nên người dân không đồng ý.

17h cùng ngày, ông Trần Nam Hưng - Phó bí thư Thành ủy Tam Kỳ có mặt tại hiện trường chủ trì buổi đối thoại. Vị này thừa nhận, cán bộ địa phương có sai sót trong việc áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thay mặt lãnh đạo TP Tam Kỳ, ông xin lỗi người dân và hứa sẽ giải quyết thỏa đáng cho các gia đình trong thời gian sớm nhất. Còn đối với trường hợp của anh Tịnh, ông hứa sẽ ưu tiên giải quyết trong ngày mai. Sau khi được lãnh đạo hứa xem xét giải quyết, người dân mới giải tán.

(Theo Zing)