Tốt nghiệp đại học Tài chính kế toán, làm nhân viên kinh doanh, sau đó làm kế toán trưởng cho một đơn vị thiết kế, chị Nguyễn Thị Huệ (Tp. Huế) bén duyên với nông nghiệp một cách rất tình cờ. Năm 2014, chị Huệ được tham gia một dự án trồng lúa hữu cơ đầu tiên ở Huế với vai trò quản lý. Đây là dịp để chị có cơ hội được biết đến quy trình canh tác hữu cơ, cũng như sự lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu mà bà con nông dân Việt Nam đã và đang sử dụng.

 

{keywords}
Chị Huệ tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của mình.

 

Có đi tìm hiểu mới thấy, ở các làng quê, có rất nhiều những người nông dân hàng ngày đi bơm phun các loại thuốc hóa học trên đồng ruộng mà không hề có một sự bảo vệ nào cho bản thân mình.

Những đứa con của họ sinh ra mang trên người những dị tật như là di chứng của chất độc màu da cam. Nhìn những hình ảnh của các em nhỏ với những hình hài không bình thường ở quê nội, những thông tin về rất nhiều các loại nông sản, thực phẩm được nuôi trồng với vô số chất kích thích sinh trưởng, chất hóa học, chất bảo quản, chất tạo mùi… chị Huệ quyết định thực hiện dự án trồng lúa hữu cơ và mở một trang trại trồng rau, nuôi gà, heo… với mong muốn gia đình, người thân, bạn bè và nhiều người được sử dụng các sản phẩm an toàn cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Huệ vẫn không giấu được xúc động khi nhớ lại động lực khiến mình từ bỏ công việc đang yên ổn để đi làm nông nghiệp hữu cơ.

"Sản xuất bình thường đã khó, sản xuất theo hướng hữu cơ còn khó hơn rất nhiều do thời điểm đó còn nhiều người chưa phân biệt được sản phẩm sạch và sản phẩm theo hướng hữu cơ. Làm nông nghiệp không hóa chất, năng suất của cây trồng, vật nuôi quá thấp; sản phẩm làm ra mẫu mã không đẹp, giá lại cao gấp 1,5 đến 2 lần giá các sản phẩm thông thường… là những trở ngại lớn cần phải vượt qua. Nếu không đặt chữ Tâm vào công việc đang làm, chắc khó có thể theo đuổi được ước mơ phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ tại quê hương mình", chị Huệ chia sẻ.

Để kiểm soát chất lượng, có nhiều sản phẩm nông sản phong phú và ổn định, chị Huệ đã làm việc với HTX và các hộ dân tại Hương Vân và Điền Lộc (Phong Điền, Huế) thuê lâu dài 3 ha đất để trồng các loại rau màu, đầu tư cải tạo đất và xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, giống, phân bón, chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà sạch.

Hiện nay, công ty của chị đang liên kết với Hội phụ nữ thành phố, Hội nông dân thành phố,  hỗ trợ kỹ thuật tối đa cho họ trong sản xuất. Từ quá trình nuôi, trồng đến thu hoạch đều có các kỹ sư trực tiếp giám sát, hướng dẫn. Nông sản làm ra được công ty bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 2-3 lần so với sản phẩm thông thường. 

{keywords}

{keywords}

 

Các sản phẩm được làm theo hướng hữu cơ khép kín từ khi trồng, sản xuất đến đóng gói thành thành phẩm và công ty của chị Huệ được Sở Nông nghiệp chọn để triển khai thí điểm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và Chứng nhận sản phẩm an toàn.

Cố gắng làm tốt nhất những gì có thể từ thực tế ngoài đồng ruộng, đến sản xuất tại nhà xưởng và bày bán tại các cửa hàng cũng như hoàn thiện đến mức cao nhất các hồ sơ chứng nhận sản phẩm an toàn, tem truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chị Nguyễn Thị Huệ mong muốn càng ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng sản phẩm của mình. Có như thế chị và những người nông dân Huế mới mở rộng thêm được diện tích, tăng năng xuất để giúp nhiều địa phương, nhiều nông dân tại Huế trở lại canh tác theo hướng hữu cơ, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định mà không lo “ được mùa mất giá”, thoát nghèo bền vững, giúp họ bảo vệ sức khỏe vì không còn tiếp xúc với các chất hóa học hàng ngày đồng thời góp phần cải tạo nguồn đất, nguồn nước, bảo vệ môi trường….

Các sản phẩm chính của công ty chị như: Bưởi da xanh, hạt ngũ cốc, bột ngũ cốc, Gạo lứt Japonica giống Nhật, gạo trắng HV1, đồ khô, đồ tươi sống, sữa gạo lứt, bún gạo lứt… được làm theo hướng hữu cơ khép kín từ khi trồng, sản xuất đến đóng gói thành thành phẩm và công ty của chị được Sở Nông nghiệp chọn để triển khai thí điểm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và Chứng nhận sản phẩm an toàn.

Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, lại khiến cho đời sống của bà con nông dân thêm khấm khá. Thoát nghèo lại đảm bảo được sức khoẻ bền vững, đó là cách mà chị Huệ luôn hướng tới.

Bài: Hà Ngọc Dũng - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV