- Ông Hồ Xuân Mãn nghỉ hưu vẫn có thể bị rút danh hiệu, tại sao với ông Trần Văn Truyền hay người khác lại khó, ĐB Lê Như Tiến đặt vấn đề.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến trao đổi bên lề QH hôm nay về những bất cập trong quản lý cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp sau khi về hưu.

- Việc điều tra khối tài sản của nguyên Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền đã rất lâu mà đến giờ vẫn chưa có kết quả, theo ông có sự nể nang ở đây?

Việc đó không thể nói thiếu căn cứ nên các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, nhưng đã vào cuộc thì phải khẩn trương. Khối tài sản ấy là những căn cứ pháp lý, cũng đâu có gì quá phức tạp, khó khăn. Nếu đó đúng là tài sản từ mồ hôi nước mắt của ông Truyền, hoặc do biếu tặng thì ông ấy vô can, nhưng điều đó vẫn chưa được chứng minh.

{keywords}
Ông Lê Như Tiến: Người khi chuẩn bị nghỉ, tâm lý chung là không còn gì để mất, muốn có "chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh"

Tôi thấy muốn phòng chống tham nhũng thì phải làm rõ một là minh bạch tài sản, hai là nghĩa vụ giải trình. Lâu nay chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Phải công khai ở nơi cư trú hoặc công tác thì cử tri, cán bộ công chức dưới quyền mới kiểm soát được.

Sống ở đâu là người dân biết hết có ôtô gì, nhà cửa ra sao, lối sống thế nào... Ta cứ nói phát huy vai trò tai mắt là nhân dân nhưng thực ra cơ chế cho họ phòng chống tham nhũng còn rất khiêm tốn.

- Thanh tra CP cũng vừa cho biết một số sai phạm trong việc ký một loạt quyết định bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu của ông Trần Văn Truyền. Việc này cũng không chỉ phát hiện ở một chỗ, mà ở cả một số cơ quan khác. Quan điểm của ông?

Tôi đã có lần nói rồi, nên có quy định cấm lãnh đạo, cán bộ quản lý trước khi nghỉ hưu ký những quyết định về nhân sự và phê duyệt công trình, dự án. Bởi khi chuẩn bị nghỉ, tâm lý chung là không còn gì để mất, muốn có "chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh". Người sắp rời xa nhiệm sở, rời cái ghế đã ngồi nhiều năm đều muốn một là ban ơn, hai là cái gì đó trong ngoặc kép.

Nếu vẫn để những kẽ hở như vậy trong pháp luật, đặc biệt trong công tác cán bộ, hiện tượng đó sẽ còn tái diễn.

- Vậy sau những vụ việc như của ông Trần Văn Truyền, Hồ Nghĩa Dũng..., làm thế nào để xử lý được hiện tượng "tạo sân sau trước khi về hưu" của các quan chức?

Nhiều quan chức sau khi nghỉ hưu lại có vị trí thơm thảo hơn, thu nhập lớn hơn đồng lương trước kia, chứng tỏ họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng ta có khi phải học tập họ đấy.

Họ chuẩn bị từ sớm như chuyển vốn và tài sản sang công ty con, công ty cháu, mua bán cổ phiếu, trở thành cổ đông của nhiều công ty... Trong khi pháp luật của ta không cấm điều đó, ai có tiền, có khả năng thì cứ mua cổ phiếu. Đó cũng là một kẽ hở.

Cơ chế xử lý như tôi đã nói ban đầu, là phát huy vai trò của các cơ quan công an, thanh tra, kiểm tra của Đảng, giám sát của QH, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương, ban Nội chính trung ương và các tỉnh...

Bộ máy ta không thiếu, nhưng quan trọng là làm rõ trách nhiệm của họ: Nếu anh không phát hiện ra, không xử lý được tham nhũng thì nghĩa là anh đồng lõa, đồng phạm, đồng tình.

Pháp luật cũng phải có những quy đinh để người muốn tham nhũng không tham nhũng được. Nhưng văn bản pháp luật ta không thiếu, luật Phòng chống tham nhũng, Quản lý ngoại hối, Phòng chống rửa tiền, Cán bộ công chức... đều có cả. Vấn đề là tổ chức thực hiện.

- Liên quan đến các cán bộ cấp cao sau khi nghỉ hưu, các cơ quan đều nói họ không thuộc diện mình quản lý, hoặc chưa có quy định về việc này. Theo ông có nhất thiết cần một quy định về quản lý cán bộ cấp cao sau khi nghỉ hưu không?

Tôi nghĩ là nên, vì ai cũng phải quản lý, công dân bình thường còn phải quản lý nữa là.

Rõ ràng ông Hồ Xuân Mãn đã nghỉ hưu nhưng khi bị phát hiện khai man thì trung ương vẫn có thể thu hồi danh hiệu Anh hùng LLVT. Tại sao đối với ông Trần Văn Truyền hay người khác lại không được?

C.Hoàng - H.Nhì (ghi)