- Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Lê Ninh, Phó giáo sư ngành Cơ khí động lực, Tiến sĩ động cơ ô tô cho rằng, những nguyên nhân cháy xe mới công bố do nhóm nghiên cứu tại TP.HCM thực hiện chỉ là những kết quả ban đầu.

Giá trị Methanol

Theo ông Ninh, từ năm 1950 người ta đã từng dùng methanol pha vào xăng. Trên thực tế việc pha methanol vào xăng lại giúp giảm chỉ tiêu ô nhiễm môi trường hơn xăng thông thường. 

“Chỉ có điều là chúng ta mắc bệnh không triệt để. Khi đưa thông tin, nhà nước cũng không nắm chuyện này để hướng dẫn người dân làm. Cho nên cứ cái gì có lợi là người ta làm thôi. Vì vậy xăng pha Methanol là có cơ sở khoa học.

Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh.
 

Về nguyên nhân cháy xe máy Bộ Khoa học và Công nghệ “đặt hàng” một năm chứ không phải mấy tháng như Đại học Bách khoa làm đâu. Đây là vấn đề xã hội, nghiên cứu này chỉ là các nguyên nhân hội tụ gây cháy. Điều kiện cần là có xăng và có lửa. Điều kiện đủ ở đây là không quản lý được, dẫn đến hàm lượng Methanol lung tung”, chuyên gia này nói.

Ông Ninh cũng chỉ ra rằng, việc ô tô xe máy sử dụng xăng truyền thống trong bao nhiêu năm qua không cháy nhưng bây giờ lại cháy là do nhiên liệu không tương tích động cơ. Bằng chứng là methanol làm mềm ống dẫn, khiến rò rỉ nhiên liệu và gây cháy.

“Lấy ví dụ như trước đây ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc, việc pha methanol vào xăng được thực hiện tuỳ tiện đại trà, không theo tỷ lệ nào, không quản lý được. Sau đó, một xí nghiệp xăng dầu ở Thượng Hải đi vào nghiên cứu và đưa xăng methanol vào thực tế với tỷ lệ methanol tới 25% chứ không phải tỷ lệ 15% như nhiều thông tin cảnh báo. Chính vì vậy, việc tránh cháy nổ xe phải là trách nhiệm quản lý của nhà nước”.

Chưa kết luận cháy xe do xăng dỏm

Trước ý kiến cho rằng xăng có hàm lượng chì thấp như A83 dễ gây cháy nổ sao các cơ quản quan lý không kiến nghị ngừng sử dụng, ông Ninh phân tích: “ĐH Khoa học sư phạm kỹ thuật đã từng tiến hành nghiên cứu các loại xăng và kết luận xăng A 83 là ít gây ô nhiễm môi trường nhất so với các loại A92 và A95. Vì khi chúng ta pha chì vào xăng để chống kích nổ thì gây ô nhiễm và ảnh hưởng sức khoẻ”.

Nhưng khi bỏ chì đi để tránh nhiễm độc chì, ảnh hưởng sức khoẻ thì phải pha một phụ gia khác vào. Chủ yếu là các loại cacbon hydrogen mạch vòng, khó cháy. Nhưng khi khó cháy thì lượng CnHm (hydro cacbon) tồn tại rất nhiều, mà đây lại là chất gây ung thư.

“Vậy chúng ta muốn bị nhiễm độc chì hay muốn bị ung thư ?”, ông Ninh dí dỏm.

Cảnh hút trộm xăng và pha tạp chất gần cảng Cát Lái mà VietNamNet từng thực hiện.
 

“Chính vì vậy, khi chúng ta đề nghị bỏ xăng A83 thì cái lợi trước tiên là của các công ty xăng dầu chứ không phải sức khoẻ của nhân dân”, chuyên gia này khẳng định.

Trả lời VietNamNet về hiện tượng số lượng xe máy bị cháy ngoài Bắc cao hơn trong Nam, ông Ông Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu, Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm.

Ông Quyền nói: "Chúng tôi không phát ngôn xăng dỏm là nguyên nhân duy nhất gây cháy xe. Cháy xe còn có rất nhiều nguyên nhân và sẽ có báo cáo cụ thể".

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, Khoa công nghệ Hóa, Đại học Bách khoa TP.HCM cũng chia sẻ: "Nếu nói nguyên nhân cháy xe chỉ do nhiên liệu dỏm là chưa chính xác, còn phải xem kết cấu hệ thống điện của xe, người tiêu dùng có thay thế kết cấu, sử dụng không đúng quy cách hay không?”.

Quốc Quang