Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan dành riêng cho VietNamNet về tình nghĩa Việt - Xô.

Đầu Xuân Canh Tý, nhân 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nga (30/1/1950 - 30/1/2020), tôi xin chia sẻ đôi ba câu chuyện về mối quan hệ giữa nước ta với Liên Xô, vốn là lĩnh vực tôi có nhiều duyên nợ trong 60 năm công tác trên các cương vị khác nhau.

{keywords}
Ông Vũ Khoan (đứng, ở giữa) trong lần được dự buổi Bác Hồ tiếp đón các em học sinh trường tiểu học mang tên Hồ Chí Minh tại Liên Xô. Ảnh tư liệu

Một buổi tối mùa thu năm 1954, 100 anh chị em chúng tôi đang học trong trường phổ thông thuộc khu học xá Việt Nam trú tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) bất ngờ được triệu tập họp và nghe quyết định sang Liên Xô học tiếng Nga để làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô sang giúp khôi phục lại miền Bắc nước ta sau Hiệp định Geneva.

Cảm tưởng đầu tiên về nước Nga là sự choáng ngợp với những cánh rừng Taiga phủ lá vàng thu bát ngát; hồ Baikal trong vắt; các thành phố công nghiệp đồ sộ, Thủ đô Moscow nguy nga tráng lệ…

Tuy nhiên, ấn tượng sâu sắc nhất còn đọng lại trong tôi chính là thái độ chân tình, tấm lòng vị tha của các thầy cô giáo chăm sóc, dạy dỗ chúng tôi như con em ruột thịt và Nhà nước bạn đã dành cho chúng tôi ưu đãi đặc biệt.

Được coi như học sinh mẫu giáo

Tuy chúng tôi là những chàng trai, cô gái vị thành niên song vẫn được các thầy cô coi như học sinh mẫu giáo! Đi đâu cũng xếp hàng, ngày Tết được dẫn vào điện Kremlin để vui chơi quanh cây thông, thỉnh thoảng được đi xem ba lê, nghe opera ở Nhà hát lớn, mùa đông đi nghỉ ở ngoại ô đầy tuyết trắng, mùa hè nghỉ ở Hắc hải đầy nắng gió …

Trong khi đó đời sống của nhân dân Liên Xô, kể cả các thầy cô của chúng tôi, còn cơ cực lắm. Phần lớn người dân Moscow đều sống trong các “căn hộ chung cư” chứ không phải chỉ là “nhà chung cư”, nghĩa là trong mỗi hộ có mấy gia đình chung sống với một gian bếp và một nhà vệ sinh chung!

Cực như vậy nhưng nhân dân Liên Xô lại phải gánh vác biết bao “nghĩa vụ quốc tế”. Ấy vậy mà chẳng thấy bất cứ người nào ca thán, trái lại họ luôn tự hào về nghĩa vụ “vác tù và hàng tổng” đó.

Một trong những sự giúp đỡ vô giá của Liên Xô với nước ta là đào tạo nguồn nhân lực thuộc đủ mọi ngành nghề, cấp bậc. Đối với công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội ở miền Bắc và sau 1975 là trên cả nước, Liên Xô dành cho ta sự giúp đỡ vô cùng to lớn.

{keywords}
Một trận địa tên lửa SAM-2 trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tháng 12/1972 (Liên Xô viện trợ cho Việt Nam nhiều hệ thống tên lửa đất đối không - SAM). Ảnh tư liệu

Sẵn lòng vì đại nghĩa

Đó là các công trình nổi tiếng tạo nên xương sống của nền công nghiệp Việt Nam như các nhà máy thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Thụy An, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại, cơ khí Hà nội, Cẩm Phả, sông Công, cụm dầu khí Vietsopetro; các công trình văn hoá, xã hội: ĐH Bách khoa, BV hữu nghị và Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô…

Đối với công cuộc bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam trước đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng như công cuộc bảo vệ đất nước sau này, Liên Xô đã dành cho chúng ta sự viện trợ khổng lồ về khí tài quân sự. Theo thông tin của bạn, từ năm 1953 tới năm 1990 Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam tới 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 5.000 súng phòng không, 158 hệ thống tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 trực thăng, hơn 100 tàu chiến.

Đằng sau những con số ấy là công sức, mồ hôi của những con người Xô Viết sẵn lòng vì đại nghĩa.

Đầu năm 1965, lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. Kosygin sang thăm Việt Nam và tôi được tham gia phục vụ chuyến thăm. Đúng lúc đoàn tới Hà Nội thì Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, ném bom bắn phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam.

Chủ tịch Kosygin đã lên án mạnh mẽ những hành vi của Mỹ, tích cực hưởng ứng yêu cầu của ta về việc cung cấp tên lửa phòng không và máy bay chiến đầu hiện đại để chống trả, đồng thời đề nghị triệu tập hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Cuối 1972, Mỹ đã mở cuộc không kích Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc. Lúc ấy tôi được cử đi phục vụ đồng chí Trường Chinh sang Moscow dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên bang Xô-viết. Đồng chí Trường Chinh đề nghị Liên Xô cung cấp bổ sung tên lửa cho ta để ứng phó và bạn đã đưa gấp khí tài sang Việt Nam, giúp nhân dân ta giành chiến thắng vang dội trong trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Về phía người dân thì nhiều cụ già đã tới đại sứ quán ta bày tỏ lòng mong muốn chia sẻ với nhân dân ta khoản tiền hưu trí ít ỏi của mình; thanh niên trai tráng và cả các cựu chiến binh tình nguyện xin sang Việt Nam chiến đấu; thiếu niên, nhi đồng quyên góp sách vở, giấy bút gửi tặng các bạn Việt Nam…

Trong tôi còn lưu giữ mãi niềm tự hào khi được thấy hàng vạn người dân Moscow tay cầm cờ hoa đứng kín hai bên đường và ban công dọc theo đại lộ Leningrad và Gorky dài hàng chục cây số từ sân bay về điện Kremlin để chào đón Bác Hồ lần đầu tiên sang thăm chính thức Liên Xô vào năm 1955.

Năm 1973, đi theo các đồng chí Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh về qua Moscow sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi đã chứng kiến sự đón tiếp tưng bừng, nồng hậu của bạn như thế nào. Phá vỡ lệ thường, một cuộc đại tiệc đã được tổ chức trong gian lớn của điện Kremlin với sự tham dự của toàn bộ ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thành viên Chính phủ, tướng lĩnh, quan chức, nhân sỹ cùng hàng trăm nhà ngoại giao nước ngoài để chào mừng Đoàn, mừng thắng lợi của Việt Nam.

{keywords}
Bác Hồ trong một chuyến thăm Liên Xô những năm 1960, ông Vũ Khoan đứng phía sau Bác

Năm 1975 là lần duy nhất trong đời tôi có ý định xin không đi công tác nước ngoài. Số là khi được tin Sài Gòn được giải phóng, tôi chỉ muốn nhào vào miền Nam song lại được lệnh theo đoàn sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày chiến thắng phát xít. Nhưng tôi phải lên đường. Có thể nói, buổi lễ ấy đã biến thành lễ mừng cả đại thắng mùa Xuân của nhân dân ta. Khi nhắc đến tên “Việt Nam”, nhất là khi Trưởng đoàn ta là đồng chí Nguyễn Duy Trinh bước lên diễn đàn thì cả hội trường lớn trong Cung đại hội Kremlin đã nhất tề đứng dậy vỗ tay rất lâu.

Các chuyến thăm Liên Xô của Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau Hiệp định Paris năm 1973 cũng như sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà tôi có may mắn được phục vụ, cũng tràn ngập không khí hào hứng như vậy. Nhân chuyến thăm năm 1973, bạn đã tuyên bố xóa các khoản nợ của nước ta đối với Liên Xô trị giá nhiều tỷ USD.

Về phần mình, nhân dân ta luôn chia bùi, xẻ ngọt với nhân dân Liên Xô. Thế hệ chúng tôi mãi mãi lưu giữ niềm phấn khích tột độ khi Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ; Iu. Gagarin là sứ giả đầu tiên của loài người bay xung quanh trái đất và những ngày tưng bừng chào đón nhà du hành vũ trụ thứ hai G.Titov sang thăm Việt Nam, được Bác Hồ đích thân đưa đi thăm Vịnh Hạ Long…

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN

Cảm tình của ông Putin

Ngờ đâu cuối những năm 80, đầu 90 chúng tôi đã nín thở theo dõi những diễn biến đầy kịch tính ở Đông Âu rồi cả ở Liên Xô đưa tới sự tan rã của Liên bang Xô-viết.

Lần cuối cùng tôi sang Liên Xô rơi vào dịp Đoàn đại biểu cấp cao của ta do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm Moscow khi sự tồn tại của nhà nước Xô-viết chỉ còn mấy tháng. Rồi ngày 19/8/1991 xảy ra vụ đảo chính bất thành. 5 ngày sau M. Gorbachyov từ chức Tổng bí thư và 8/12 năm đó Liên bang Xô-viết bị giải thể.

Nguyên nhân dẫn đến bi kịch lịch sử ấy có nhiều. Riêng tôi nhận thấy một trong những nguyên do là Đảng cầm quyền ngày một xa dân, nhiều cán bộ, đảng viên “thoái hóa biến chất” như nay ta thường nói, xảy ra sự cố gì người dân không còn cưu mang nữa thì không gì cứu vãn nổi.

Liên Xô tan rã, quan hệ giữa nước ta với các nước cộng hòa thành viên trong Liên bang Xô-viết, kể cả nước lớn nhất là Nga có phần nguội lạnh. May thay cục diện ấy đã lui về dĩ vãng từ khi ông V.Putin lên làm lãnh đạo. Tôi được gặp ông lần đầu tại hội nghị cấp cao APEC năm 2001 ở Thượng Hải (Trung Quốc) khi làm phiên dịch bất đắc dĩ cho cuộc gặp giữa ông và anh Sáu Khải. Qua lần đó và những cuộc gặp sau tôi cảm nhận rất rõ mối cảm tình nồng thắm của ông với nhân dân ta.

Chính ông cũng là người quyết định xóa nốt các khoản nợ của Việt Nam đối với nước Nga kể từ sau năm 1973. Hai nước đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, về kinh tế đã hình thành “Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam - Liên minh Á - Âu”. Và nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao, hai nước tiến hành “năm chéo”…

Tôi cứ tự hỏi vì sao nhân dân hai nước cách xa nhau hàng vạn dặm lại gắn bó mật thiết với nhau như vậy. Có lẽ là sự tương đồng về lịch sử. Nhân dân Liên Xô đã vùng lên đập tan “nhà tù các dân tộc” của chế độ Sa hoàng vào năm 1917, còn nhân dân Việt Nam đã tận dụng thời cơ Liên Xô đánh thắng phát xít năm 1945 lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến. Bên cạnh đó, người Việt và người Nga có không ít nét tương đồng về văn hóa.

Một nhân tố rất đặc biệt nữa là tình cảm và hoạt động của Bác Hồ liên quan tới mối quan hệ giữa hai dân tộc. Bác là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu tư tưởng của V.I Lenin về con đường giải phóng dân tộc. Người từng hoạt động nhiều năm trong Quốc tế Cộng sản trụ sở tại Liên Xô và đưa nhiều thanh niên ưu tú của Việt Nam sang học tập, trong đó có các Tổng bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…

Sau này, năm 1950, Người đã đích thân sang Liên Xô để thỏa thuận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và sau đó nhiều lần sang Liên Xô trực tiếp tranh thủ bạn ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Người đã phải dày công, khéo léo tháo gỡ những khúc mắc trong quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của nhân dân ta… Thái độ chân thành, đạo đức trong sáng, tác phong giản dị của Người luôn tạo nên sức hấp dẫn rất mạnh đối với lãnh đạo và nhân dân nước bạn.

Hy vọng rằng, mối tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn, đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) 

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

 Tôi không bao giờ quên tâm trạng bàng hoàng vào buổi tối 2/9/1969 khi cầm trên tay bức điện mật từ trong nước báo tin dữ.