Nhìn khắp nơi không khí Tết rộn ràng, nhà nhà sắm sửa, người người quần áo mới, hỏi gia đình Tâm đón Tết thế nào, cô gái chỉ lắc đầu cười: “Nhà em có đón Tết bao giờ đâu…”.

Ngày chạy thận, tối đi... “cày”

Chúng tôi vào khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vào một ngày giáp Tết. Do hoàn cảnh đặc thù, năm nào cũng vậy, tới 70% bệnh nhân của khoa phải đón Tết trong bệnh viện.

{keywords}
Chị Huệ, bệnh nhân có thâm niên 14 năm đón Tết tại khoa Thận nhân tạo. Ảnh: Thanh Huyền.

Một trong số bệnh nhân có thâm niên ăn Tết nhất ở khoa Thận nhân tạo là chị Lê Thị Ngọc Huệ (SN 1963, ngụ tại tỉnh Bình Dương).

Chị Huệ phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị suy thận từ năm 2001. Chị không có gia đình riêng, sống chung với cha mẹ. Nay cha mẹ già cả qua đời, người phụ nữ lại vò võ một mình, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

“Mười 14 năm trời, cứ mỗi tuần 3 lần, cô ấy tự bắt xe buýt vào chạy thận, xong lại bắt xe buýt về. Bệnh tình thế mà vẫn phải vất vả làm lụng lo chi phí thuốc men. Tội nghiệp lắm, chạy thận trong giờ hành chính (mới có xe buýt) nên Huệ chỉ có thể làm việc vào buổi tối”, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy kể.

Khi được hỏi Tết năm nay ở lại bệnh viện có buồn không, chị Huệ cố tỏ ra bình thản: “Dạ không buồn, em ở một mình quen rồi. Giờ chỉ ráng mỗi tháng kiếm đủ vài triệu lo chi phí bệnh tật. Bệnh tình như em kiếm việc khó lắm. Ban ngày người ta đi làm thì mình lại vào bệnh viện, tới tối mới có thời gian. Chật vật mãi, may mắn có cửa hàng thông cảm, nhận em làm kế toán thêm ngoài giờ”.

Thương cảm cho chị Huệ phụ nữ một thân một mình bệnh tật, nay nhìn cô gái tên Nguyễn Thị Như Tâm, quê quán Lái Thiêu làm chúng tôi còn xót xa hơn nữa.

Bác sĩ Tuấn giới thiệu Tâm 25 tuổi mà mọi người ai cũng tưởng nghe nhầm. Căn bệnh mãn tính quái ác làm cơ thể suy kiệt, khiến cô gái trông như trẻ lên 10.

Tâm vào Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận đã 9 năm. Gia cảnh của Tâm khá khó khăn, bố chạy xe ôm, mẹ bán vé số.

{keywords}
Tranh thủ chạy xe kiếm tiền lo Tết, người mẹ trẻ bị tai nạn phỏng xăng. Ảnh: Thanh Huyền.

Từ ngày Tâm mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ Tâm ngày đi bán vé số khắp thành phố, tối lang thang, ở luôn trong bệnh viện, chắt bóp từng đồng lo tiền điều trị cho con.

Nhìn khắp nơi không khí Tết rộn ràng, nhà nhà sắm sửa, người người quần áo mới, hỏi gia đình Tâm đón Tết thế nào, cô gái chỉ lắc đầu cười đầy xót xa: “Nhà em có đón Tết bao giờ đâu chị…”.

Y bác sĩ góp tiền cơm cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Tuấn, dù bệnh nhân chạy thận đã được bảo hiểm y tế chi trả tới 95% nhưng vẫn còn những chi phí phát sinh phải tự thanh toán.

Chẳng hạn trường hợp của chị Huệ và Tâm bị suy thận giai đoạn cuối kèm cao huyết áp, mỗi tháng số tiền chi phí bên ngoài tối thiểu 2 triệu đồng.

Thương các bệnh nhân nghèo, kiệt quệ vì bệnh tật, y bác sĩ khoa Thận nhân tạo đã tự lập quỹ riêng, hằng tháng chiết một phần tiền lương nhằm san sẻ bớt cho những cảnh đời một phần gánh nặng.

{keywords}
 

Không chỉ riêng y bác sĩ khoa Thận nhân tạo, 24 tháng chạp, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng – phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chạy đôn chạy đáo lo…cơm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Đạo chia sẻ: “Anh em đồng nghiệp gọi tôi là “ông xin tiền”, vì tôi suốt ngày đi trình bày, xin tiền cho bệnh nhân nặng, nghèo khó. Tết đến nơi rồi, có những người đã nghèo còn gặp cái eo, tự dưng tai họa giáng xuống, giờ nợ tiền viện phí có vài triệu mà không thể nào trả nổi”.

Một trong những trường hợp đó là chị Trương Thị Thanh Bình (SN 1982, quê quán Quy Nhơn).

Cha mẹ già, hai đứa con thơ (một lên 4 tuổi, một lên 7 tuổi) trông cả vào gánh hàng rong của người phụ nữ trẻ.

Cần xe máy chở hàng nhưng không có điều kiện, chị Bình mua lại chiếc xe gắn cũ rích, cà tàng với giá vài triệu đồng.

Trong lúc tranh thủ chạy xe chở đồ, kiếm tiền lo Tết cho gia đình, chiếc xe máy dò xăng, bốc cháy. Chị Bình bị phỏng nặng, được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Bình Định.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, chị được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Tại khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ xác định chị Bình bỏng 39% (16% bỏng sâu), tổn thương khắp phần mặt, tứ chi, thân trước và thân sau.

“Chúng tôi đã mổ một lần để cắt bỏ mô hoại tử. Hiện nay bệnh nhân cần được nâng đỡ về thể trạng rồi mới ghép da được”, bác sĩ Đạo nói.

Hoàn cảnh chị Bình hiện rất khó khăn, lo bữa ăn qua ngày không nổi, huống chi nghĩ tới chuyện trả được 10 triệu tiền viện phí.

Thương cảm cho chị, bác sĩ Đạo đã góp tiền để bệnh nhân có được bữa cơm.

Thấu hiểu sự thiệt thòi của các bệnh nhân không thể sum họp bên mâm cơm ngày Tết cùng gia đình, phải đón năm mới trong bệnh viện, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những hoạt động, chương trình đặc biệt.

Ông Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị mình đã chuẩn bị 300 phần quà (chú trọng trường hợp nghèo, bệnh nặng như: phỏng, ung thư, thận nhân tạo...)

{keywords}
Bệnh viện Chợ Rẫy tặng bánh chưng cho bệnh nhân nghèo.
                 

Vào thứ 7, tức 26 tháng chạp, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tổ chức trao quà Tết, kèm phong bao lì xì cho các bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân còn được xem trình diễn múa lân, biểu diễn văn nghệ.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát tổng cộng 200 phần bánh chưng. Trong những ngày Tết, mỗi ngày bệnh viện vẫn chuẩn bị từ 1500 – 1800 suất cơm từ thiện, giờ nhận cơm vào 7 h sáng và 15 h chiều.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM năm nào cũng có chừng 200 bệnh nhân ở lại điều trị vào dịp Tết.

Theo dược sĩ Hà Thu Điểm, Trưởng ban công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu, đơn vị mình đã chuẩn bị xong 200 suất, mỗi suất giá trị 600 ngàn đồng (gồm phong bao lì xì 500 ngàn và quà). Tổng số tiền hỗ trợ Tết của Bệnh viện Ung bướu cho các bệnh nhân khoảng 120 triệu đồng. Theo dự tính, 28 Tết bệnh viện sẽ bắt đầu phát quà Tết.

Không chỉ thế, hiện nay có rất nhiều tổ chức và cá nhân tới Bệnh viện Ung bướu làm từ thiện, chung tay giúp các bệnh nhân có cái Tết đầy đủ và ấm áp hơn. Thậm chí một đơn vị tư nhân còn hỗ trợ xe ô tô đưa các bệnh nhân ung bướu về quê ăn Tết.

Thanh Huyền