Hiện cả nước mới chỉ có 200.000 đơn vị trên tổng số 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động có tham gia BHYT, BHXH chiếm 24,6% lực lượng lao động. Mục tiêu đặt ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào 2020.

Sáng 6/10/2015, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và VCCI đã ký kết quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015 - 2020 nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và VCCI trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Qua đó, quy chế hướng tới mục tiêu chung thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia.

Quy chế phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT được thể hiện qua các nội dung cụ thể trong nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH; trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH; tổ chức thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật.

{keywords}

Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015-2020 giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và VCCI.

Ngoài ra, nội dung quy chế còn dề cập đến việc phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn thư về BHXH, BHYT; báo cáo, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý; xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết hoạt động; công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học về BHXH, BHYT và phối hợp trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý gần 12 triệu người tham gia BHXH và gần 65 triệu người tham gia BHYT, chiếm 71,9% dân số. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho hàng chục triệu lượt người và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho hằng trăm triệu người theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên cả nước chỉ có 200.000 đơn vị trên tổng số 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động có tham gia BHYT, BHXH, mới đạt 24,6% lực lượng lao động.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

“Trong thời gian tới, quy chế hoạt động để có thể quản lý và yêu cầu chủ sử dụng lao động của hơn 200.000 doanh nghiệp này thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tham gia BHYT, BHXH cho người lao động; hướng tới mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BH thất nghiệp vào năm 2020”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.

Cũng theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn tới, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT của giới chủ sử dụng lao động sẽ có những bước đột phá mạnh mẽ. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT nói riêng và an sinh xã hội nói chung cho người lao động sẽ được các chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc và quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Theo đó, Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng cho biết sẽ nỗ lực phối hợp với BHXH Việt Nam trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các DN trong việc đảm bảo chính sách BHXH cũng như quyền lợi của người lao động.

Với số lượng lớn các DN là thành viên, VCCI tin rằng sẽ hỗ trợ tích cực BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT.

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam và VCCI cũng đã có những hoạt động phối hợp nhất định, tuy nhiên, ký kết quy chế phối hợp lần này là việc làm cần thiết, tạo sự bài bản, qua đó nâng tầm sự hợp tác giữa hai bên.

Ông Lộc cũng đưa ra đề nghị, mới đây Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đạt thỏa thuận và thông qua đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở mức tăng chung 12,4% nhằm hài hòa lợi ích giữa DN và người lao động. Vì thế, cơ quan BHXH cần giãn lộ trình áp dụng để các DN có thể chủ động thích nghi.

Thúy Ngà