- “Tôi đề nghị tử hình bị cáo. Con tôi không có tội tình gì, nó chỉ vừa đi vừa hát thôi mà bị cáo cũng giết con tôi cho bằng được, giờ bị cáo xin lỗi con tôi đâu có thể sống lại…”, gạt ngang nước mắt, người mẹ nói trước tòa.

Đứng trước vành móng ngựa, nghe những lời giãi bày của người mẹ, bị cáo Trần Quang Được (22 tuổi, Đồng Nai) chỉ biết cúi đầu câm lặng.

Gương mặt vô cảm chợt dại đi trong giây lát, Được ra sức biện minh cho hành vi tội lỗi.

Giết người vì dám…hát

Hôm ấy, khoảng 1 giờ ngày 2/1/2012, sau khi uống rượu, Trần Quang Được, Lê Quang Trung cùng hai cô gái ngồi chơi trước cửa một văn phòng môi giới bất động sản tại ấp 3, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Lúc này, anh Phạm Văn Linh (SN1987) đi bộ về hướng trường Sỹ quan Lục quân II, vừa đi vừa hát. Thấy vậy, một cô gái trong nhóm buột miệng “anh này yêu đời quá”.

Cô gái vừa dứt lời, Được liền châm chọc: “Đêm khuya vắng mà lẩm bẩm một mình coi chừng người ta đánh đó”.

Anh Linh hỏi lại “có gì không đại ca?”, ngay lập tức Được nổi máu côn đồ đáp trả: “Đánh chết mẹ mày bây giờ”.

{keywords}
Bị cáo Trần Quang Được tại tòa 

Ngay sau đó, Được đi vào văn phòng môi giới bất động sản nơi mình làm việc lấy một con dao đuổi theo.

Anh Linh sợ bỏ chạy…Không dừng lại, Được tiếp tục nhặt một khúc cây chàm ở đống củi gần đó đuổi theo.

Cùng đường, người thanh niên kia chạy vào một bãi đất trống có nhiều cỏ gần đó để thoát thân nhưng vẫn bị Được truy đuổi đến cùng.

Khi Linh vừa vấp ngã, Được lập tức vung cây chàm đánh nhiều cái vào đầu. Nghe nạn nhân van xin tha mạng Được mới chịu dừng tay. Lúc này, anh Lê Quang Trung chạy tới nơi kéo Được ra về.

Ba ngày sau, một người dân phát hiện xác nạn nhân chết tại bãi đất trên nên trình báo cơ quan công an. Biết mình không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, Được đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Với hành vi trên, Được bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội “giết người”. Được kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gia đình nạn nhân kháng cáo đề nghị tăng án.

Nỗi đau người mẹ

Xuất hiện tại phiên tòa phúc thẩm, trái ngược với gương mặt đau đớn của mẹ nạn nhân, gương mặt Được lạnh lùng vô cảm, không chút ăn năn.

Suốt phần thẩm vấn, bị cáo dửng dưng thừa nhận mình đánh nạn nhân vì tội “vừa đi vừa hát”.

Trình bày lý do kháng cáo, Được cho rằng mình không có ý tước đoạt mạng sống của nạn nhân, bị cáo chỉ muốn đánh cảnh cáo thôi nhưng không ngờ nạn nhân lại chết.

Hơn nữa, sau khi biết tin nạn nhân chết, bị cáo đã tự động ra đầu thú. Do vậy, mức án 20 năm tù với bị cáo là quá nặng. Nói rồi, khó khăn lắm Được mới thốt ra lời xin lỗi với gia đình nạn nhân.

“Người ta vừa đi vừa hát thì liên quan gì đến bị cáo mà bị cáo đánh người ta rồi nói chỉ muốn cảnh cáo?” – “Bị cáo không biết, lúc đó thấy tức nên đánh thôi”. “Ngoài bị cáo, còn ai đánh nạn nhân không?” – “Không”, Được bình thản trả lời câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa.

Được mời lên thẩm vấn, với tư cách đại diện người bị hại, mẹ nạn nhân - bà Phạm Thị Tuyết Mai và gia đình không khỏi bức xúc khi nghe nhắc lại cái chết lạnh lẽo của con trai.

Bà Mai mếu máo cho biết chồng mất sớm, một mình bà phải nuôi ba con nhỏ. Linh là con út trong nhà, anh chị Linh đều làm việc trong quân đội. Vậy mà…

“Tôi đề nghị tử hình bị cáo. Con tôi không có tội tình gì, nó chỉ vừa đi vừa hát thôi mà bị cáo cũng giết con tôi cho bằng được, giờ bị cáo xin lỗi con tôi đâu có thể sống lại”, gạt ngang nước mắt, người mẹ quả quyết trước tòa.

Nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, mang tính côn đồ, mức án 20 năm tù với bị cáo là có phần nương nhẹ nên Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Được, tuyên chấp nhận kháng cáo của gia đình nạn nhân, tăng hình phạt với Được từ 20 năm lên tù chung thân về tội “giết người”.

Bị tăng án, Được lẳng lặng tra tay vào còng lên xe về trại. Gương mặt người mẹ mất con vẫn rầu rĩ như xác lá khô. Nỗi đau mất con là vô tận. Hình phạt thế nào nạn nhân cũng không thể sống lại.

Từ đây, cuộc đời Được gắn với những ngày tháng lao tù, chỉ trách quan niệm sống của những người trẻ trong con người Được sao quá chông chênh.

M.Phượng