Cách hành xử "áp chế" của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp tại Hoa Đông rất nguy hiểm, có thể gây ra sự cố đối đầu - Tokyo cảnh báo trong sách trắng quốc phòng mới.


Tại một cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và các bộ trưởng của ông đã thông qua sách trắng quốc phòng - báo cáo thường niên đầu tiên về quốc phòng Nhật Bản và tình hình an ninh khu vực kể từ khi tranh chấp Hoa Đông lần nữa bùng phát vào năm ngoái.

"Trung Quốc đã có hành động được mô tả như là sự áp chế, trong đó có rất nhiều hành xử nguy hiểm...Các hành động của Trung Quốc bao gồm việc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, xâm phạm không phận và thậm chí là hành động nguy hiểm, rất dễ gây ra sự cố", báo cáo dài 450 trang nhấn mạnh.

{keywords}

Tàu TQ và tàu Nhật Bản tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP


Ông Masayoshi Tatsumi, thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Nhật cho hay, bộ này đang gia tăng nỗ lực để thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và phòng vệ bờ biển để tuần tra phòng thủ vùng biển của Nhật Bản. "Chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp có thể để luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó thông qua sự linh hoạt, sử dụng các phương tiện cơ động hiện đại" - ông nói.

Các tàu của Trung Quốc và Nhật Bản đã có nhiều tháng đối đầu nhau ở khu vực mà cả hai bên đều coi là thuộc chủ quyền của mình. Nhóm đảo tranh chấp nằm trong khu vực chiến lược và giàu tài nguyên. Tàu của Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý của quần đảo và đụng độ với lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật được trang bị hiện đại.

Theo các nhà bình luận, quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông có thể là điểm nóng dẫn tới đối đầu quân sự giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á. "Senkaku mang vai trò chiến lược quan trọng với Nhật Bản và Trung Quốc", Takehiko Yamamoto, GS nghiên cứu chính trị quốc tế Đại học Waseda - Tokyo nói.

Cũng theo sách trắng quốc phòng, các máy bay chiến đấu nước này đã có hơn 300 lần được huy động để đối phó với máy bay Trung Quốc bay gần không phận Nhật trong vòng một năm tính tới tháng 3 năm nay. Đây là con số kỷ lục.

Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Nhật theo đuổi "hiến pháp hòa bình" nhưng vẫn duy trì 140.000 quân, 140 tàu quân sự và 410 tàu chiến, trong mục tiêu là "lực lượng phòng vệ". Nước này cũng gia tăng ngân sách quân sự lên 0,8% trong năm tài khóa hiện tại - mức tăng đầu tiên trong vòng 11 năm qua với lý do tăng cường phòng thủ biển đảo.

Sách trắng quốc phòng của Nhật cũng nhấn mạnh chính sách củng cố liên minh Nhật - Mỹ. Quan hệ Tokyo - Washington thời chính phủ trước khá căng thẳng vì chuyện căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa. Nhưng dưới thời ông Abe, Nhật thông qua lập trường thiên về chủ nghĩa dân tộc hơn do quan ngại sự trỗi dậy từ Bắc Kinh.

Thái An