Trong dịch dã, giãn cách, tình cảm cộng đồng có điều kiện thể hiện sự yêu thương đúng như truyền thống cưu mang đùm bọc nhau lúc khó khăn, hoạn nạn nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy từ sự xa cách. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là tình cảm bạn bè.

Bạn bè với nhau trong những ngày giãn cách sẽ thế nào? Tất nhiên sự xa cách sẽ là thiếu hụt không chỉ cảm giác mà là thực tiễn đời sống. Thiệt thòi là chắc và không ít thì nhiều cái sự khủng hoảng tinh thần sẽ đến với không ít người. Nhưng cũng chẳng thể có cách nào khác, mỗi người đều phải bằng cách riêng để sắp xếp ổn định lại chính tinh thần của mình.

{keywords}
Hà Nội những ngày giãn cách

 

Trong mỗi một đời người hình thành những nhóm bạn tùy theo tính chất. Có thể kể bạn thiếu thời, bạn học, ai đi lính thì có bạn đồng ngũ, bạn nghề nghiệp công việc, bạn hàng xóm và bạn tâm giao là những người thân thiết, gắn bó không phụ thuộc vào những tính chất bạn bè tôi vừa kể.

Tùy theo tính tình mà mỗi người duy trì mức quan hệ với các nhóm bạn của mình. Quan trọng nữa là bạn tình cảm nam nữ. Lĩnh vực này mới là câu chuyện hệ lụy nhất của thời dịch dã. Là người theo đuổi nghề văn, tôi đi nhiều và cũng vì thế mà có rất nhiều mối quan hệ bạn bè. Tôi làm trong lĩnh vực phim ảnh nên bạn bè thân thiết rải ở khắp nước. Dịch căng thẳng, giãn cách như này cái sự gặp gỡ là không thể nhất là khi còn dính mắc với nhau những dự án làm phim dang dở.

Hôm rồi đâu như chỉ ngày giãn cách thứ mấy gì đó của đợt Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và 17 của UBND thành phố, tôi thấy đạo diễn NSND Trịnh Lê Văn, người cùng tôi thực hiện một dự án phim ở Nghệ An đang phải tạm gác lại, kêu ời ời trên facebook vì cuồng cẳng vì nhớ bạn.

Rồi anh đứng ra lập một cái group online về bạn bè, tag vào đó đủ mặt anh hào phim ảnh, bạn rượu trên mọi miền. Và một tiệc nhậu online tưng bừng diễn ra. Chết cười, tôi dốt công nghệ thấy các ông ôm chai ôm lọ, ngậm tẩu, ngậm thuốc hỉ hả cười cười nói nói thấy vui đáo để. Đã nghe học onlile, dạy khí công, yoga online, họp trực tuyến, ra mắt sách trực tuyến giờ nhìn mấy bợm nhậu cụng ly cốc ảo vui đấy nhưng cũng thấy đắng đót. Dịch Covid công nhận kinh khủng.

Anh bạn chủ nhà tôi đang tá túc cũng lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Đúng trước giãn cách thì bà vợ về nhà mình lo việc. Thế là thôi, kẹt cứng, bao nhiêu chốt chặn việc đoàn tụ chồng vợ đâu phải là thiết yếu, liều đi khéo mà ăn phạt vẹt nửa tháng lương hưu như bỡn, đành chịu vợ chồng xa cách.

Gạt đi tình cảm riêng tư vợ chồng đầu gối tay ấp, bao nhiêu việc trong nhà có người phụ nữ tề gia nội trợ đảm đang lo giúp thì anh phải làm tất tật. Từ cho cá ăn đến mèo cả đàn chầu chực ở cửa đợi. Cơm nước, giặt giũ, tưới cây, gà ăn, chim ăn đủ trăm thứ việc không tên khiến anh quay cuồng điên đảo. Thấy anh cứ bấm đốt ngón tay tôi biết tỏng anh đếm ngày hết hạn giãn cách bèn bỡn cợt chút xíu, chưa hết được đâu các tỉnh trong kia đều gia hạn giãn cách, Hà Nội vẫn đang căng thẳng lắm. Anh cười như mếu…

Đấy là anh hợp pháp chuyện tình cảm chứ nói thật lòng, dịch dã thế này có biết bao nhiêu cặp đôi phải chia lìa. Khách sạn, nhà nghỉ đa phần treo mành, đóng cửa. Tôi đang nói những quan hệ chưa hợp pháp hoặc cá biệt là ngoài luồng. Cái vế sau thì đúng là dịch dã báo hại đến độ dã man. Khối anh chị thù thằng Covid đến tận xương tủy.

Thế nào là hợp pháp, tỷ như cặp đôi yêu nhau chưa kết hôn thì rõ ràng luật pháp chưa công nhận. Thời đại mới tân tiến những đôi yêu nhau hoàn toàn có thể có những lựa chọn dễ dàng tìm một nơi nào đó tâm sự riêng tư. Thế mới có hàng ngàn khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm ở Hà Nội.

Thời tôi đừng có mơ chuyện đó. Yêu nhau chỉ ngồi nhà hoặc dạo phố, liều lĩnh vào công viên hay chỗ nào tôi tối âu yếm nhau tẹo là y rằng có chuyện. Dạo đó “thanh niên cờ đỏ” đông lắm, họ ập đến tút xịt. Cũng chả sao có giấy tờ tùy thân, chứng minh được quan hệ là vô can. Mà dạo đó chiến tranh hay thời kỳ hậu chiến ban đầu, còn nhiều khó khăn, kỷ luật đạo đức xiết chặt cũng là phải.

Mỗi thời có một đặc điểm riêng để vận hành xã hội chả nên so sánh. Tôi có những bạn rất đặc biệt như bạn bơi ngoài bãi sông Hồng. Lúc chưa dịch ngoài đó vui lắm, từng ca bơi theo thời gian, từng nhóm bạn hợp “cạ” nhau luôn tổ chức những bữa liên hoan sau khi vùng vẫy sông nước. Nhẹ thì con mực, gói lạc rang uống cốc bia nhâm nhi tận hưởng không gian sông thoáng sạch. Nặng đô hơn thì tổ chức nhậu nhẹt tưng bừng. Có ông rảnh thời gian sáng tập rồi bơi, trưa nhậu tìm một chỗ thoáng mát làm giấc, dậy hết bia hết rượu lại bơi lại tập.

Tôi đùa bảo ông tập được bao nhiêu sức dốc cả vào trưa nhậu rồi còn đâu, chiều về đến nhà công lao coi như sạch bách. Đùa thế thôi chứ có được nếp sinh hoạt đều đặn thế cũng phải có điều kiện và đáng ở mức thần tiên. Giãn cách dịch, dân bơi bị bịt ngả xuống từ cầu Long Biên và các chốt trực chống dịch chặn các ngả. Ông nào nghiện lên cơn vật bơi cũng chả dám mạo hiểm thỏa mãn để phải nộp tiền phạt. Thèm sông nước quá, mấy anh có kiến thức mạng cũng lập ra câu lạc bộ bơi đăng hình ảnh và chát chít với nhau cho đỡ nhớ. Bạn bè bơi xem ra cũng tình cảm lai láng như nước sông Hồng vậy.

Giãn cách, ai ở nhà nấy, không có việc không ra đường. Mọi sinh hoạt công cộng hay tập thể đều đình trệ. Mấy ông rảnh việc kêu oai oái. Lúc này xem ra nghề viết lách như tôi hóa lại đỡ bị ảnh hưởng. Thì đọc hay viết tinh những việc chỉ có thể làm một mình nhưng nói thế cũng cuồng cẳng, buồn và thèm bạn ra phết.

Còn may thời đại số hóa, cuộc sống công nghệ khiến sự giãn cách kia giảm đi nhiều phần bức bí. Mọi người có thể tìm rất nhiều niềm vui ngay chính trong ngôi nhà mình. Xem phim, nghe nhạc, đọc sách, các mạng xã hội giao lưu với bạn bè bất chấp mọi khoảng cách, không gian. Thế nên bạn bè ngày giãn cách nếu lạc quan thì vẫn có rất nhiều niềm vui để quên đi khoảng thời gian dịch dã, giãn cách căng thẳng.

Cắt tóc khi cách ly

Cắt tóc khi cách ly

Mối bận tâm rất lớn của cả đàn ông và đàn bà ở phố là chuyện tóc tai. Đàn ông bồn chồn ngứa ngáy vì tóc cứ dài ra hàng ngày. Đàn bà chỉ hơi khó chịu chút thôi vì mái tóc cầu kì chẳng có ai ngắm.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến