Những năm gần đây, Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ đồng xây mới trụ sở cho nhiều bộ, ngành nhằm giảm tải giao thông cho nội đô. Tuy nhiên nhiều bộ, ngành khi có trụ sở mới vẫn “ôm” trụ sở cũ. Vì sao lại như vậy?

Hà Nội đã dành gần 100 ha đất để sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở mới cho những cơ quan Bộ, ngành cần di dời. Tất cả vì mục tiêu giải phóng không gian để quy hoạch lại Thủ đô đồng thời giảm tải sức ép giao thông ở các quận nội thành Hà Nội.

Những dự án tốn kém

Dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc mới của Bộ Nội vụ được khởi công từ tháng 4/2009. Công trình có tổng diện tích đất là 1,63ha (trong đó, diện tích sàn là 30.628m2, quy mô 17 tầng) nằm tại Lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2009 và khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 14/12/2010.

{keywords}

{keywords}

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có trụ sở mới tại 113 Trần Duy Hưng (ảnh lớn) nhưng vẫn chưa trả trụ sở cũ tại 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (ảnh nhỏ)

Cùng nằm trên vị trí Lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy còn có trụ sở mới của Bộ Tài nguyên & Môi trường với tổng kinh phí đầu tư là 372 tỷ. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 10/2/2009 và đưa vào sử dụng ngày 15/5/2012.

Đây là một tòa nhà cao 18 tầng (chưa kể một tầng hầm) với diện tích sàn là 27.590m2, án ngữ trên khu đất rộng 1,38ha.

Nằm tại địa chỉ 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), trụ sở mới của Bộ Khoa học & Công nghệ là một tòa nhà cao 13 tầng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1,8ha. Dự án bắt đầu triển khai từ những năm 2000, đến cuối năm 2011 công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo Bộ này, tổng số kinh phí đầu tư cho dự án khoảng 300 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi mục đích của các trụ sở Bộ, ngành sau khi di dời phải tuân thủ theo quy hoạch và trên nguyên tắc đảm bảo các yếu tố, yêu cầu về quản lý quy hoạch kiến trúc, về hạ tầng kĩ thuật cũng như công năng, mục đích sử dụng để đảm bảo hợp lí cho sự phát triển bền vững của các khu vực nội đô có các cơ quan, trụ sở này.

Nếu cơ quan nào đó sử dụng không đúng thì phải điều chỉnh. Chính quyền đô thị, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng của Thành phố phải quản lý, sử dụng đảm bảo theo đúng quy hoạch và đúng quy chế quy hoạch kiến trúc của Thành phố.

Ông Đỗ Đức Duy- Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng

Trong những cơ quan bộ, ngành đã hoàn thành việc di dời về nơi làm việc mới thì trụ sở của Bộ Ngoại giao (nằm trên Đại lộ Thăng Long, huyện Từ Liêm) có quy mô, diện tích lớn nhất. Tổng quỹ đất được sử dụng cho công trình này rộng 8ha.

Đây là một tổ hợp công trình kiến trúc gồm một khối đế cùng 3 khối nhà cao 13 và 14 tầng, có sân đỗ trực thăng và hệ thống giao thông gồm đường xe chạy, đường dạo, hè đường, bãi để xe ngoài trời của khách, vườn hoa, cây xanh tạo cảnh quan... Công trình khởi công xây dựng từ tháng 8/2009 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự kiến lên tới 3.500 tỷ đồng.

Ngoài khu làm việc của lãnh đạo Bộ, các văn phòng, Cục, Vu, Viện chức năng trực thuộc Bộ, công trình còn được bố trí một không gian riêng phục vụ cho việc tổ chức hội nghị quốc tế, họp báo quốc tế, đón tiếp công dân và khách nước ngoài tới làm việc.

Chuyển đổi chức năng sử dụng các trụ sở cũ

Trong Công văn số 2356/QHKT-P8 ngày 15/8/2012 về việc “Báo cáo công tác triển khai di dời một số trụ sở các cơ quan và bộ, ngành T.Ư ra ngoài nội đô TP Hà Nội”, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong tổng số 28 cơ quan bộ, ngành thuộc khu vực nội đô Hà Nội được xem xét di dời thì đã có 8 cơ quan thực hiện chủ trương di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới; 11 cơ quan đã đề xuất được di dời.

{keywords}

{keywords}

Bộ Tài nguyên & Môi trường có trụ sở mới tại số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh trên) nhưng vẫn “ôm” trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội (ảnh dưới)

Tính toán của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, tổng quỹ đất có được từ trụ sở 28 cơ quan bộ, ngành sau khi hoàn thành ước đạt 50,81ha.

Quỹ đất này sẽ được bố trí chức năng sử dụng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trong đó sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật thiết yếu của khu vực và bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị. Ở chiều ngược lại, sẽ có khoảng 97,21ha quỹ đất tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì được bố trí để xây dựng trụ sở cho các cơ quan bộ, ngành phải di dời.

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quỹ đất từ trụ sở cũ của các bộ, ngành sau khi di dời sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng cho phù hợp với định hướng quy hoạch chung của Thành phố.

Theo đó, trụ sở cũ của Bộ Khoa học&Công nghệ (tại số 93 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) có quy mô 0,15ha sẽ được chuyển sang làm bảo tàng, viện nghiên cứu hoặc trụ sở văn phòng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại.

Trụ sở cũ Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại số 83 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, có quy mô 0,36ha) được đề xuất chuyển thành trụ sở làm việc của sở, ngành của Thành phố hoặc ưu tiên cho công trình hạ tầng, kĩ thuật phục vụ đường sắt đô thị.

Trụ sở cũ của Bộ Nội vụ (tại số 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, có quy mô 0,3ha) có 3 phương án chuyển đổi: Để làm trường học; làm trung tâm hành chính cấp quận hoặc để xây dựng chỗ để xe và trồng cây xanh.

Riêng trụ sở cũ của Bộ Ngoại giao (tại số 1 Tôn Thất Đảm, quận Ba Đình; có quy mô 0,87ha), do là công trình có giá trị kiến trúc nên sẽ được sử dụng là nhà làm việc của các cơ quan T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ theo như nghiên cứu Quy hoạch công trình Khu trung tâm chính trị Ba Đình đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo khảo sát của PV thì những bộ như: Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ, Công an, Nội vụ... tuy đã chuyển sang trụ sở mới hàng năm trời nhưng trụ sở cũ vẫn chưa được trả lại cho thành phố Hà Nội.

(Theo Báo GTVT)