- Công an Hà Nội khẳng định xác nữ giới không đầu trên sông Hồng chính là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền song còn quá nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ.

Ngày 5/8, tại buổi giao ban thường kỳ báo chí Thành ủy Hà Nội, Công an Hà Nội đã kết luận thi thể không đầu được phát hiện tại bến đò Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội vào ngày 18/7/2014 chính là chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân vụ TMV Cát Tường.

Kết luận đưa ra dựa trên kết quả xét nghiệm ADN.

Tuy nhiên khi đối chiếu với lời khai của Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh cũng như những dấu vết trên thi thể được tìm thấy có nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ.

Nổi sau 9 tháng

Chị Huyền tử vong và bị phi tang vào ngày 19/10/2013, đến 18/7/2014, thi thể chị được tìm thấy tại bến đò Văn Đức, tức sau 9 tháng.

{keywords}
Bến đò Văn Đức nơi phát hiện thi thể chị Huyền

Một số chuyên gia đã đưa ra giả thiết rằng có thể thi thể bị mắc dưới cát hoặc vật cản dưới lòng sông, không chịu tác động của ánh nắng mặt trời nên phân hủy lâu hơn.

Tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực pháp y, bác sĩ Phạm Xuân Toàn, Phó Viện Trưởng viện Pháp y Quốc gia nhận định việc thi thể chị Huyền sau 9 tháng mới nổi có nhiều điểm bất thường.

Khi trao đổi với báo Đời sống pháp luật, bác sĩ Toàn cho rằng có thể thi thể chị Huyền chịu tác động của yếu tố con người.

Bác sĩ Toàn phân tích, theo tự nhiên về mặt thời gian, nếu là một xác chết bình thường không bị vật cản dưới nước thì sau 3-– 5 ngày sẽ nổi và thi thể bắt đầu có dấu hiệu phân huỷ.

Từ 10-15 ngày, phần mềm thi thể sẽ bị phân hủy, da bong tróc. Sau 4-6 tuần, một số bộ phận sẽ rụng đi, các khớp rời ra.

Do vậy bác sĩ Toàn nghi ngờ thi thể chị Huyền đã bị tác động, vì nếu chỉ mắc thông thường dưới nước thì sau một thời gian sẽ bị phân hủy, các bộ phận sẽ bị rời ra chứ không thể vẫn còn sau 9 tháng.

Trước đó bác sĩ Tạ Văn Sang cũng nhận định, ở điều kiện bình thường, phần da thịt trên cơ thể con người sau 9 tháng sẽ bị phân hủy hết, không giữ được hình hài ở bộ phận nào. Trong trường hợp nhất định, thi thể có thể bị phân hủy chậm hơn, song với trường hợp giữ được hình hài, da thịt rất khó xảy ra.

Ngoài ra có 1 chi tiết được chú ý, áo của chị Huyền là chấm bi, nhưng thi thể được tìm thấy lại là áo hoa chấm tím.

Thi thể chị Huyền bị đổ bê tông?

Khớp xương tử thi không bị chặt, cắt

Kết quả giám định thi thể tại bến đò Văn Đức vào ngày 18/7 cho thấy các khớp của nạn nhân xấu số không có vết chặt, cắt, trên xương không có thương tích. Điều này phù hợp với lời khai của Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh cho biết không phân xác nạn nhân.

Đây là một điểm nghi vấn lớn song đến nay phía Công an Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Chi tiết này có thể dẫn đến hàng loạt câu hỏi khác làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án.

Cả ông Nguyễn Văn Ngoan (người phát hiện thi thể chị Huyền) và ông Đặng Văn Phúc (quản trang nghĩa trang Văn Đức) đều khẳng định 2 bên đùi chị Huyền có 2 mảng bê tông to bằng viên gạch, các vị trí khác trên quần áo cũng dính nhiều vệt xi măng nhỏ.

Tại thời điểm vớt được xác chị Huyền, thi thể được bọc trong túi nilon.

Trong khi đó vào sáng 6/8, luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho Đào Quang Khánh (bảo vệ TMV Cát Tường) cho biết Khánh vẫn gữ nguyên các lời khai trước đây, rằng đã cùng bác sĩ Tường ném xác chị Huyền xuống sông nhưng không bọc túi nilon hay bất cứ đồ dùng gì.

Vậy túi nilon bọc ngoài xác chết ở đâu ra? Tại sao lại có bê tông dính vào thi thể nạn nhân? Tường đổ bê tông vào xác nạn nhân lúc nào?

Nếu đúng là đổ bê tông thì lời khai của Tường và Khánh là không trung thực. Có hay không việc ném xác nạn nhân xuống sông hay đổ bê tông rồi giấu xác nạn nhân ven sông Hồng, đến khi nước lũ xoáy vào thì thi thể bị cuốn ra?

Cơ quan điều tra cần xem xét lại lời khai của những người liên quan, trong đó có cả vợ bác sĩ Tường - người có mặt trên hành trình ném xác để làm rõ những bất thường này.

Nạn nhân chết trước hay sau khi phi tang?

Trong các lời khai của mình, Nguyễn Mạnh Tường đều khẳng định nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã chết trước khi phi tang.

Tuy nhiên có một tình tiết ít người chú ý, là sau khi xác chết không đầu tại bến đò Văn Đức được phát hiện, vào ngày 22/7, công an Hà Nội thông báo kết luận cho biết nguyên nhân nạn nhân tử vong do đuối nước.

Nếu đúng, câu hỏi đặt ra là chị Huyền chết trước hay sau khi bị ném xuống sông?

Xung quanh câu hỏi này, trả lời báo chí cả luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư Hà Nội) và TS Phan Anh Tuấn (Trường bộ môn Luật Hình sự, ĐH Luật TP.HCM) đều chia ra nhiều giả thiết.

Cụ thể, nếu nạn nhân bị chết trước khi ném xuống sông: Trường hợp 1, Tường sẽ phạm tội Vi phạm quy định về dịch vụ y tế khác theo Điều 242 BLHS. Trường hợp 2, Tường có thể bị xử lý tội Giết người theo Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp, 2 lần bỏ mặc nạn nhân.

Nếu nạn nhân chết sau khi ném xuống sông: Trường hợp 1, phạm tội Giết người vì biết nạn nhân còn sống nhưng vẫn phi tang. Trường hợp 2, nếu bác sĩ Tường không nhận thức được, nghĩ nạn nhân đã chết rồi ném xuống sông thì bị xử theo Điều 242 BLHS.

M.Đức (tổng hợp)