- Hai em bé bị chém tới 11 nhát dao đến mức lòi cả ruột ra ngoài, thai nhi bị xe ô tô chèn văng ra khỏi bụng mẹ, bé trai 12 ngày tuổi bị dao đâm xuyên sọ…Tất cả đã thoát chết như một phép màu nhờ quy trình báo động đỏ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Những ca chấn thương tưởng cầm chắc cái chết

Sau khi đọc bài viết "Bé sơ sinh bị đâm xuyên sọ hồi phục, sắp xuất viện" rất nhiều bạn đọc thán phục trước tài năng của các bác sĩ Việt Nam, cho rằng phép màu đã được ban xuống cứu sống cháu bé vô tội. Thế nhưng ít ai biết, rất nhiều em bé bị chấn thương tưởng chừng cầm chắc cái chết cũng đã được cứu sống một cách ngoạn mục nhờ quy trình báo động đỏ như thế.

Mọi người không khỏi rùng mình khi nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây 2 năm. Lúc ấy bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang trên đường tan sở về nhà thì điện thoại nhắn quy trình báo động đỏ được kích hoạt. Không cần biết chuyện gì xảy ra, bệnh nhi vừa nhập viện tình trạng thế nào, tên tuổi, quê quán ra sao, vị bác sĩ lập tức quay xe về bệnh viện, có mặt tại điểm tập trung định sẵn là phòng mổ.

{keywords}
Bé trai bị đâm dao xuyên đầu hồi phục diệu kỳ. Ảnh: Thanh Huyền.

“Các bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhận được lệnh báo động đỏ cũng như tôi, người vừa về tới nhà đang chuẩn bị nấu cơm, kẻ thì đang đón con tan học, bất kể đang làm gì họ cũng phải quay ngay về phòng mổ bệnh viện, phó thác việc riêng cho người nhà.”, bác sĩ Hiếu kể.

Đến nơi, bác sĩ Hiếu mới biết bệnh nhi là hai anh em trai, ngụ tại một chung cư ở quận 5. Người anh 6 tuổi, người em chỉ mới 2 tuổi. Các cháu bị hàng xóm chém nhiều nhát. Cháu nhỏ bị chém tới 9 nhát, ruột lòi cả ra ngoài, không đo được mạch và huyết áp.

Nhờ quy trình báo động đỏ, chỉ trong vòng 5 phút, hai cháu bé đã được đưa thẳng vào phòng mổ, đội ngũ y bác sĩ chờ sẵn, can thiệp kịp thời mà không cần trải qua các khâu thăm khám, siêu âm, xét nghiệm thông thường.

“Hôm đó, chỉ cần chậm trễ thêm chút nữa, có lẽ hai bé đã không qua khỏi. Trải qua cơn thập tử nhất sinh, giờ các cháu đều mạnh khỏe và lanh lẹ. Gia đình các cháu chia sẻ nằm mơ cũng không nghĩ con mình được như ngày hôm nay.”, bác sĩ Hiếu nói.

Trường hợp của bé Nguyễn Quốc Huy, thai nhi văng khỏi bụng mẹ xa tới 7 mét trong vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2014 khiến không ít độc giả thương cảm rơi nước mắt.

Chỉ nghe tới hoàn cảnh chào đời của bé thôi, ai cũng nghĩ bé khó lòng thoát nổi. Đó còn chưa kể Huy bị chiếc xe tải chèn nát luôn một bên chân. Mẹ cháu bé tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn thảm khốc còn cướp đi chân phải của người cha.

Bé Huy được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Các bác sĩ mất 2 tuần giành giật lại sinh mạng của bé từ tay tử thần. Cuối cùng cháu bé hồi phục diệu kỳ. Giờ đây Huy đã biết bập bẹ gọi ba, tập đứng, tập đi. Nhờ sự trợ giúp của các tấm lòng hảo tâm, đau thương đã khép lại, cuộc đời cha con bé Huy mở sang trang mới.

Hơn 10 bé được cứu nhờ quy trình khẩn

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, quy trình báo động đỏ ra đời nhờ bác sĩ Tăng Chí Thượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

{keywords}
Cháu bé văng khỏi bụng mẹ trong vòng tay ba ngày xuất viện. Ảnh: Thanh Huyền.

Cách đây 5 năm, trong một lần thăm bệnh viện bạn ở nước ngoài, bác sĩ Thượng rất tâm đắc với cách tổ chức cấp cứu khi có trường hợp nguy cấp xảy ra của họ. Không muốn nuối tiếc bởi trăn trở, nếu như sớm vài phút nữa thì bệnh nhi đã được cứu, bác sĩ Thượng đem quy trình báo động đỏ về áp dụng cho bệnh viện mình.

Những trường hợp nguy cấp, nhập viện trong tình thế thập tử nhất sinh, chảy máu nhiều, không đo được mạch và huyết áp…là đối tượng được xếp vào dạng báo động đỏ.

Khi bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ, tất cả các bác sĩ của các khoa, phòng được chỉ định sẵn sẽ lập tức có mặt tại phòng mổ, không cần biết bệnh nhân là ai, bị gì.

Đồng thời, em bé không phải trải qua các giai đoạn như: hội chẩn, siêu âm, xét nghiệm mà phải đẩy thẳng vào phòng mổ. Thời gian bệnh nhi được đẩy vào phòng mổ kể từ lúc nhập viện chỉ trong 10 phút.

Tính tới nay, có ít nhất 10 bệnh nhi được cứu nhờ quy trình báo động đỏ này. Quy trình trên không chỉ áp dụng cho ca cấp cứu đưa từ ngoài vào, mà cho cả các trường hợp đang nằm viện điều trị bệnh tim, tiêu hóa…

Thanh Huyền