Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có kết luận việc quản lý chất lượng công trình tuyến tránh QL55 qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, qua đó chỉ ra hàng loạt 'thiếu sót' của Sở Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án gần 60 tỷ này.

Nhiều sai phạm trong quản lý

Theo kết luận thanh tra, tuyến đường tránh quốc lộ 55 có chiều dài 4,3 km, gồm 2 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu gần 60 tỷ đồng.

{keywords}
Những vết vá trên tuyến đường tránh quốc lộ 55

Công trình do Sở Giao thông vận tải Bình Thuận (Sở GTVT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án quốc lộ 55 là đơn vị được Sở GTVT ủy quyền, điều hành dự án. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Rạng Đông và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 - Công ty TNHH Thành Nam.

Đơn vị giám sát là Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam, Liên danh Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bình Thuận. Đơn vị kiểm định chất lượng là Công ty Cổ phần Tư vấn Kiểm định Xây dựng.

Tuyến đường tránh quốc lộ 55 được hoàn thành tháng 12/2014, bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng từ tháng 12/2015. Mục đích của dự án có một tuyến đường chất lượng, giảm tải áp lực giao thông, thuận tiện đi lại.

Tuy nhiên, chỉ mới sử dụng được một thời gian ngắn đã nhanh chóng xuống cấp. Mặc dù đã sửa chữa nhiều lần nhưng cảnh ổ gà, ổ voi vẫn liên tục tái diễn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện, khi thực hiện dự án chủ đầu tư đã phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng tại một quyết định là chưa phù hợp theo quy định; hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình nền đường và cống tại gói thầu số 3 không có chữ ký xác nhận của người thực hiện kiểm tra tại bản tổng hợp kết quả thí nghiệm; phiếu kết quả thí nghiệm lập chưa đúng quy định.

Về thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, phần lớn các bản vẽ thiết kế trắc dọc, trắc ngang đường không đúng quy định. Một số cá nhân tham gia thiết kế khi không có tên trong hồ sơ dự thầu và chưa được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản.

Tại gói thầu số 2, trước khi thi công, chủ đầu tư và nhà thầu không có văn bản thống nhất các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và của nhà thầu; không có kế hoạch và biện pháp kiểm soát chất lượng trên cơ sở chỉ dẫn kỹ thuật và các đề xuất của nhà thầu theo quy định; Nhật ký thi công xây dựng công trình không có xác nhận của chủ đầu tư, không ghi diễn biến điều kiện thi công (nhiệt độ, thời tiết)...

{keywords}
Một đoạn tuyến tránh QL55 đang được sửa chữa

Đối với gói thầu số 3, hợp đồng thi công, bên giao thầu là BQL Dự án QL 55, bên nhận thầu là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 và Công ty TNHH Thành Nam. Trong đó có nội dung ghi Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại 886 là đơn vị trực tiếp thi công là không hợp lý về mặt thời gian (thời điểm ký hợp đồng là ngày 10/8/2010 nhưng giấy ủy quyền ngày 11/8/2010); việc ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại 886 trực tiếp thi công công trình chưa được chủ đầu tư kiểm tra chấp thuận.

Trách nhiệm, sai sót thuộc chủ đầu tư

Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác định, từ năm 2013 - 2016, Sở GTVT phê duyệt dự toán công trình do Sở làm chủ đầu tư.

Tổng số tiền chi phí quản lý dự án là hơn 16,1 tỷ đồng, trong đó áp dụng tỷ lệ trích 15% chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư trực tiếp quản lý, sử dụng và 85% còn lại do Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng là không có cơ sở, không có trong quy định của Bộ Tài chính

Theo kết luận, việc để xảy ra các thiếu sót trên trách nhiệm trước hết thuộc về Sở GTVT với vai trò là chủ đầu tư; bên cạnh đó trách nghiệm của BQL Dự án QL55, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông (đơn vị khảo sát, thiết kế), Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam (đơn vị tư vấn giám sát), các đơn vị thi công và các cá nhân, bộ phận thuộc các cơ quan, đơn vị này.

Trên cơ sở kết luận nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở GTVT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền, làm rõ nguyên nhân, đề xuất hình thức xử lý... 

Bí thư TP.HCM: Kiềm chế nhu cầu cá nhân để phòng dịch Covid-19

Bí thư TP.HCM: Kiềm chế nhu cầu cá nhân để phòng dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi: “vì an toàn xã hội, mỗi người cần giảm sự “tự do”, kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả”.

Vân Lam