- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga tại phiên thảo luận về phòng, chống tham nhũng chiều 1/11 nêu hàng loạt câu hỏi liên quan án tham nhũng.

"Tại sao các vụ án về trật tự trị an, thời gian càng kéo dài thì càng mở rộng án, đối tượng phát hiện ngày càng nhiều, tính chất phạm tội càng nghiêm trọng, chứng cứ càng được củng cố chặt chẽ, nhưng với án tham nhũng thì ngược lại, càng kéo dài thời gian xử lý càng thu hẹp phạm vi đối tượng, tính chất phạm tội, thay đổi tội danh, tài liệu chứng cứ, thậm chí bị mất theo hướng có lợi cho đối tượng phạm tội, sau đó không còn xử lý được nữa?", bà Lê Thị Nga nêu.

Bà cũng đưa ví dụ về những "lỗi sơ đẳng" mà các điều tra viên mắc trong quá trình điều tra tham nhũng khiến có vụ không đủ căn cứ pháp lý để khởi tố.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Tình trạng này, theo bà Nga, "chính là dấu hiệu của tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng". Bà đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Chánh án TANDTC trả lời.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH cũng đề nghị xem xét lại các điều kiện hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng: Chỉ cần bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt là được hưởng án treo, trong khi đó, chỉ người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được, lại là những người theo lý lịch đều nhân thân tốt, chưa kể các tình tiết như có thành tích, huân huy chương, phạm tội lần đầu...

Trước đó, trao đổi bên hàng lang QH với báo chí, bà nhận định: "Như vậy là mâu thuẫn: vừa trừng trị chủ thể, vừa căn cứ vào đặc điểm của chủ thể đó để giảm tội và cho hưởng án treo".

Trả lời ĐB, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết án treo đối với tội phạm tham nhũng mấy năm nay đã giảm nhiều, từ hơn 50% năm 2010 đến 2012 chỉ còn hơn 30%.

"Đây là một chế định tiến bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đối với tội phạm tham nhũng không thể nói không cho hưởng án treo", ông Bình nói. "Nhưng có thể nghiên cứu sửa luật để áp dụng những điều kiện đặc biệt, khắt khe hơn đối với tội phạm tham nhũng".

Phải chất vấn cả Tổng Kiểm toán

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH cũng chỉ ra nhiều quy định đảm bảo hiệu lực của thanh tra chưa được tuân thủ đúng trong nhiều trường hợp như về thời hạn ra kết luận thanh tra, quy định về xác định trách nhiệm của các chủ thể có vi phạm trong kết luận thanh tra.

"Nếu xem xét kết luận thanh tra về Vinalines, có thể thấy Thanh tra đã không làm hết thẩm quyền trong việc xác định trách nhiệm. Ở đây trách nhiệm được quy gần hết cho doanh nghiệp, nhưng trách nhiệm của quản lý nhà nước không thấy chỉ rõ. Như vậy là do tổ chức thực hiện không đúng luật chứ không phải là do luật", bà Nga nói.

Vụ việc Dương Chí Dũng cũng là ví dụ về không tuân thủ đúng luật Thanh tra: "Tại sao trong quá trình thanh tra, đối tượng bị thanh tra lại được điều chuyển sang cơ quan khác mà thanh tra không có ý kiến gì với chủ thể quản lý?"

ĐB Lê Thị Nga cũng thấy dù có nhiều hình thức công khai kết luận thanh tra như đưa lên trang web, các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp..., các cơ quan thanh tra thường chọn hình thức hẹp nhất.

"Theo công thức mà quốc tế thừa nhận: Tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin - trách nhiệm giải trình, nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra thì hiệu quả phòng, chống tham nhũng cũng hạn chế", bà Nga nói.

Kiểm toán, vốn có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, theo ĐB Lê Thị Nga, cũng đang có địa vị pháp lý "nửa vời" bởi Tổng Kiểm toán do QH bầu, phục vụ công tác giám sát của QH đối với Chính phủ, nhưng nhân sự để bầu lại cần sự thống nhất của Chính phủ.

Bên cạnh đó, "Tổng Kiểm toán chưa bao giờ được bố trí lịch để trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách hàng năm trước QH. Ở nhiều nước, khi thảo luận về ngân sách, Tổng Kiểm toán được bố trí một ghế, sẵn sàng trả lời khi ĐB yêu cầu và được QH chất vấn, trong khi ta chưa quy định trong luật Tổng Kiểm toán là một đối tượng được chất vấn mặc dù được QH bầu", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.

Những bất cập này làm hạn chế hiệu quả phát hiện tham nhũng qua chi ngân sách nhà nước, đầu tư công... Bà Lê Thị Nga kiến nghị sửa các quy định liên quan trong Hiến pháp, luật Tổ chức QH và luật Kiểm toán theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và Kiểm toán NN.

Đề xuất miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ

ĐB Lê Thị Nga đề xuất miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ để xử lý người nhận hối lộ.

"Công chức nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn phải chịu sự kiểm soát nghiêm khắc hơn so với dân. Cũng cần hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không phải bị nhũng nhiễu, gây khó dễ", bà Nga nói.

"Hiện ta xử lý cả người nhận hối lộ và người đưa hối lộ, khiến người đưa hối lộ không dám tố giác, vì như thế cũng là tố cáo chính mình, tự đưa mình vào vòng tố tụng".


Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng