- Một trong những nhân chứng sống duy nhất của “Tiểu đội thép” - Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn nhớ như in từng thời khắc bom Mỹ dội bom xuống cung đường QL15A sáng 31/10/1968, 11 cô gái và hai chàng trai thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317, tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã ngã xuống khi đang bám lấy mặt đường tiếp sức cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam ruột thịt. Họ như rất nhiều người con ở nhiều nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, họ đã ra đi và bất tử trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975).
  
 Hơn 6 giờ sáng ngày 31/10/1968, không quân Mỹ đồng loạt ném bom xuống Truông Bồn. Trong thời khắc đó, chỉ chậm 18 tiếng đồng hồ nữa, theo giờ GMT là 0 giờ ngày 1/11/1968, không lực Mỹ sẽ ký quyết định "ném bom hạn chế" từ vĩ tuyến 190 trở ra Bắc (từ Nghệ An).
  
 Không kịp chạy vào hầm sau loạt bom điên cuồng của đế quốc Mỹ, 13 thanh niên xung phong đã bị bom đạn vùi chôn. Máu của những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi trắng ngần như hoa ban ấy đã hòa tan vào đất Mẹ giữa đại ngàn để viết nên thiên anh hùng ca chói lòa.
  
 “Trằn trọc cả đêm kể chuyện từng đứa”

  
 Gần 70 tuổi, nhưng Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông (trú tại khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, TP. Vinh, Nghệ An) vẫn nhớ như in thời khắc bi hùng ấy.
 Chị bảo, trước cái hôm Mỹ điên cuồng ném bom xuống tuyến đường, chẳng hiểu sao, mấy chị em không ai ngủ được. Mọi người truyền tay nhau bức thư chưa đọc hết trong căn hầm tối; kể đủ chuyện cho nhau nghe về dự định ngày trở về sum họp, làm đám cưới. Hơn ai hết, chị hiểu rõ ước nguyện hòa bình và mong ước hạnh phúc trên gương mặt đồng đội.
  
Gần 70 tuổi, bà Trần Thị Thông vẫn nhớ như in thời khắc bi hùng của trận chiến Truông Bồn năm 1968
Chị bảo "đã 3 năm rồi tui chưa thêm một lần quay trở lại Truông Bồn, chỉ được coi qua tivi. Nhớ lắm. Đồng đội ngã xuống có người tìm được xác, có người thì vùi luôn trong đất...”.
  
 A trưởng của ‘”tiểu đội thép” năm xưa gạt dòng nước lệ rơm rớm trên khoé mắt. Hồi ức hơn 43 năm về trước hiện về.
  
 Năm 1965, chị Thông theo tiếng gọi của dân tộc, cùng những người thanh niên xung phong (TNXP) khác, không tiếc máu xương lên đường nhập ngũ. Cuối 1966 đến 31/10/1968, tiểu đội của chị được giao nhiệm vụ giữ chốt tuyến đường 15A, "yết hầu" tại Truông Bồn.
  
 A trưởng Thông cùng 11 TNXP tiểu đội 2 liên tục được cấp trên giao nhiệm vụ bám đường, làm cọc tiêu cho những chuyến xe từ Bắc vào Nam trong suốt 3 năm.
  
 Đêm 31/10/1968, như bao đêm khác, tiểu đội 2 đi làm từ đầu hôm đến khoảng hơn 11 giờ khuya mới về nghỉ. Mọi lần về, cất cuốc, vên, xẻng là nằm ngủ khi nào không hay. Nhưng đêm đó lại khác, mọi người không tài nào chợp mắt, ai cũng nóng lòng.
  
 A trưởng Thông nhớ lại: “Như một điềm báo. Bình thường thì đêm nào đi làm về mệt là lăn ra ngủ. Nhưng buổi chiều hôm đó, con Đang (Hà Thị Đang - PV) nhận được một lá thư của người yêu chưa kịp đọc. Đi làm đêm về định mở ra coi thì không dám đọc vì sợ thắp đèn lên là mục tiêu của máy bay. Tui nói là chờ đến sáng mai trời sáng rồi đọc cho cả tiểu đội cùng nghe luôn. Chị em ở tiểu đội nhận được thư là đọc chung cho nhau nghe vui lắm. Rồi mấy chị em lại nói chuyện từng đứa, từng đứa trong thời gian 3 năm sống và chiến đấu tại đây”.
  
 Thư chưa đọc, người yêu đang mòn mỏi ngóng tin; đêm chưa ngủ nhưng mệnh lệnh quân đội là kỷ luật ‘thép’, tất cả đều phải thực hiện. Bí mật, an toàn, chắc thắng luôn được đưa lên hàng đầu của 12 cô gái TNXP Truông Bồn nói riêng và cả quân đội chúng ta tại thời điểm đó nói chung.
  
 Buổi sáng định mệnh
  
 Khi tiếng gà rừng le te gáy, con thú hoang đi tìm ăn giữa đại ngàn, các chị lại nhận được lệnh cấp trên tiếp tục rời hầm, ra đường làm cọc tiêu, san lấp, đẩy xe cho đoàn quân đi qua.
  
 Người tiểu đội trưởng lúc bấy giờ còn nhớ mệnh lệnh đặc tiếng Nghệ phát ra của cấp trên: “Lúc đó anh Hạp nói (Trần Văn Hạp - PV): O Thông ơi! Cho tiểu đội đi làm nha”.
  
Nụ cười hòa bình sau những ký ức đau buồn của chiến tranh

 Thời khắc định mệnh đã đến. Một cuộc phân trần giữa các đồng đội với người tiểu đội trưởng đã xảy ra. Người đầu tiên là chị Đinh Thị Vinh nói: “Chị Thông ơi! Đêm hôm qua mình làm gần cả đêm rồi, giờ sao lại đi tiếp nữa ạ”.
  
 Để trấn an đồng đội, A trưởng Thông nói: “Thôi thì cấp trên đã có lệnh thì ta cứ đi cái đã”.
  
 Ăn vội miếng cơm nguội, phong lương khô, tất cả cùng nhau cầm cuốc xẻng chạy ra bám lấy mặt đường. Người yêu của chị Nguyễn Thị Tâm là anh Hoà, tiểu đội trưởng đội 6, chuẩn bị nhận giấy xuất ngũ cũng năn nỉ được đi theo để tiếp viện cho 12 chị em.
  
 5 giờ sáng, 12 cô gái và 2 chàng trai nhận nhiệm vụ rời hầm để bám đường. Tiểu đội được chia ra làm 2 tổ, mỗi tổ 7 người bám lấy 2 bên trục đường.
  
 Tranh thủ trên đường đi, chị Đang bóc vội bức thư của người yêu đọc. Những dòng chữ yêu thương gửi từ phương xa như tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để cô gái Đang vững vàng chiến đấu.
  
 Đúng 6 giờ 10 phút, máy bay không quân Mỹ lướt qua tuyến đường QL15A, Truông Bồn, đồng loạt thả hàng trăm quả bom đen kịt, xới tung cả lòng đường. Dưới mặt đất, quá bất ngờ vì bom Mỹ quật tới tấp, thi thể 12 cô gái và 2 chàng trai bị vùi sâu xuống lòng đất còn rơm rớm máu.
  
 “Quá bất ngờ. Bình thường máy bay nó quay mấy vòng rồi mới ném bom xuống, nhưng hôm nay thì vừa đến chúng đã thả bom luôn. Ngước lên trên đầu thấy toàn bom dài ngoằng, đen sì. Khi đó, thoáng trong suy nghĩ là hôm nay chị em chắc chết. Rồi con Vinh và anh Hoà chạy vào hầm được mấy bước thì đất vùi lấp. Tui thì khoác cây súng trường nằm luôn tại chỗ không chạy được”. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhớ lại.
  
 Máy bay Mỹ lao tới bất ngờ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói, mù mịt. Ngớt tiếng bom, cả Đại đội 317, các đơn vị bạn và nhân dân Mỹ Sơn - những người sống, đi tìm người mất, nước mắt chứa chan. Từ hiện trường ngổn ngang mảnh bom, đồng đội dồn sức đào bới, tìm kiếm, nhưng duy nhất chỉ còn chị Trần Thị Thông, tiểu đội trưởng may mắn được cứu sống.
 
Chị bảo "đã 3 năm rồi tui chưa thêm một lần quay trở lại Truông Bồn, chỉ được coi qua tivi. Nhớ lắm. Đồng đội ngã xuống có người tìm được xác, có người thì vùi luôn trong đất...”.
Sau đó, chị được mẹ Nguyễn Thị Thởm hiện ở xóm 9, xã Mỹ Sơn cưu mang chăm sóc. Còn lại 11 cô gái, 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi. Trong đó, có 7 người không tìm được thi thể. Trước đêm cuối cùng ấy, trong số họ có 8 người được xét cho nghỉ, có người nhận được giấy báo nhập học các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp; có người chuẩn bị về làm đám cưới, nhưng họ đã gác lại tình riêng để cùng đồng đội bám trụ, thông đường.
  
 Và họ đã hy sinh trước thời điểm Mỹ buộc phải ký kết ngừng ném bom miền Bắc.
  
 Trận bom liên tiếp buổi sáng 31/10/1968, đã quật ngã 12 cô gái và 2 chàng trai xuống lòng đất. Máu và nước mắt lăn dài trên trục đường huyết mạch 15A.
  
 Họ đã sống và chiến đấu không tiếc tuổi đời thanh xuân, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và cũng chính nơi đó, có biết bao nhiêu câu chuyện xúc động của người mẹ nuôi hàng chục đứa con, của anh chàng sắp rời quân ngũ về cưới vợ, của một người lính xa nhà hát dăm câu tặng nhau, để sau này họ nên duyên vợ chồng,…
  
 Tất cả đều khó tin, nhưng có thật ở thời chiến.
  
 · Quốc Huy – Hoàng Sang