- Hoàn thành trước tiến độ đề ra 3 năm, Nhà máy Thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện hùng vĩ nhất khu vực Đông Nam Á của Việt Nam. Sau khi tổ máy số 6 – tổ máy cuối cùng được đưa vào vận hành, đến nay, nhà máy đã sản xuất hàng chục triệu Kwh điện hòa vào mạng điện lưới Quốc gia.


Nằm ở bậc thang thủy điện thứ 2 trên dòng sông Đà, thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, lớn nhất ở Việt Nam,
công trình trọng điểm quốc gia với công suất lắp đặt 2.400MW gồm 6 tổ máy (mỗi tổ máy 400MW); công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong (nay là thị trấn Ít Ong), huyện Mường La, tỉnh Sơn La. 
Công trình trọng điểm Quốc gia, Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á nằm trên thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
 

Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Được khởi công năm 2005, ngày 17/12/2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Đến nay, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được hơn 11,553 tỷ kWh (tính đến ngày 10/10/2012).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện Sơn La.
 

Chỉ còn 2 ngày nữa, thủy điện Sơn La sẽ được khánh thành. Cùng nhìn lại những cột mốc quan trọng gắn liền với công trình trọng điểm này:

Ngày 29/6/2001: Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Từ năm 1998 đến năm 2002, Hội đồng thẩm định đã nghiên cứu, xem xét dự án và cuối cùng Báo cáo nghiên cứu khả thi phương án Sơn La thấp (mực nước dâng 215m).

Theo tư liệu của ngành điện lực, trước đó, từ năm 1984, ngành Điện đã bắt đầu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Thủy điện Sơn La.

Trong đó, xác định vị trí công trình nằm trên một đoạn sông khoảng 40 km từ tuyến Bản Tả (phía hạ lưu) đến tuyến Pa Vinh (thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La). Ngành Điện lực kiến nghị chọn kết cấu đập bê tông trọng lực để chống được lũ cực hạng (PMF).

Lắp đặt thành công rotor Tổ máy số 1 ngày 20/8/2010.
 

Tháng 12/2002: Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI (tháng 12/2002) thông qua. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, trong suốt thời gian từ lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến khi phê duyệt đầu tư đã rất thận trọng trong từng bước chỉ đạo các công tác triển khai.

''Xây dựng công trình Thủy điện Sơn La với tinh thần khẩn trương, chất lượng nhưng phải an toàn tuyệt đối'' là yêu cầu đầu tiên mà Thủ tướng Phan Văn Khải đặt ra cho công tác thiết kế cũng như thi công công trình đặc biệt quan trọng này.

Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực Việt Nam nghiên cứu kỹ, lập nhiều phương án thiết kế để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu nhất hội tụ đủ các điều kiện: Hiệu quả kinh tế, khả năng chống lũ và đặc biệt là đảm bảo an tòan không chỉ cho công trình mà còn cho sinh mạng toàn bộ nhân dân vùng hạ du, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Năm 2003: EVN đã hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện phương án Sơn La thấp có mức nước dâng 215m, với quy hoạch 3 bậc thang. Lựa chọn phương án này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận giảm hiệu quả chống lũ từ tần suất 1.000 năm của phương án Sơn La cao xuống còn 500 năm (hiện hồ Hòa Bình và Thác Bà mới chỉ có khả năng chống lũ tần suất 125 năm).

Tuy nhiên, EVN tính toán, chỉ ở mức nước dâng 215m mới có thể đảm bảo an tòan cho hạ lưu. Trường hợp xấu nhất là nếu có sóng gián đoạn gây vỡ đập thủy điện Sơn La thì hồ Hòa Bình vẫn có thể điều tiết để nước không tràn qua đập.

Tháng 12/2003: Những người thợ đầu tiên thuộc Tổng công ty Xây dựng Sông Đà có mặt tại công trường.

Bản tái định cư Quỳnh An, bản Nậm Chặn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.
 

Ngày 15/1/2004: Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 09/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình TĐSL. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Ngày 15/3/2004: Kênh dẫn dòng, hạng mục quan trọng có tính chất quyết định đến tiến độ công trình, được thi công.

Ngày 13/11/2005: Tổng công ty Sông Đà đã nổ mìn, phá đê quai để đưa nước sông Đà vào kênh dẫn dòng.

Ngày 2/12/2005: Khởi công xây dựng đồng thời ngăn sông đợt 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á .

Ngày 11/1/2008: Những khối bê tông đầm lăn đầu tiên đã chính thức được sản xuất.

Ngày 23/12/2008: Ngăn sông Đà đợt 2. Theo kế hoạch, đến 3/1/2009 mới tiến hành ngăn sông Đà đợt 2, nhưng trên cơ sở hội đủ các yếu tố về điều kiện thuỷ văn; đồng thời, công tác chuẩn bị của Chủ đầu tư và các nhà thầu cho việc ngăn sông đã hoàn tất, nên việc ngăn sông Đà đợt 2 đã được thực hiện sớm hơn 7 ngày so với kế hoạch.

Ngày 15/5/2010: Đúng 15 giờ 30 ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh ngăn sông, đóng kênh dẫn dòng, chính thức tích nước hồ thủy điện Sơn La.

Đến ngày 05/11/2010, hồ chứa đã tích nước đến cao trình 189,3m và đang điều tiết giữ mực nước không vượt cao trình thiết kế năm 2010 là 190m. Công tác xây lắp các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010 và đảm bảo chống lũ năm 2011.

Hoàn thành trước tiến độ 3 năm, Nhà máy thủy điện Sơn La có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đồng thời là động lực quan trọng phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.
 

Ngày 20/8/2010: Lắp đặt thành công rotor tổ máy số 1. Đây là mốc quan trọng để tiến tới chạy thử các hệ thống thiết bị phụ, đáp ứng phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ, vào cuối tháng 12/2010. Rotor tổ máy số 1 có trọng lượng nặng 1.000 tấn, đường kính 15,589m, chiều cao 2,816m - là kết cấu nặng nhất trong các thiết bị lắp đặt tại công trường và là rotor nặng nhất trong các nhà máy thủy điện của Việt Nam.

Ngày 25/8/2010: Kết thúc quá trình đổ bê tông đầm lăn, đạt 2,7 triệu m3.

Ngày 18/11/2010: Khởi động không tải tổ máy số 1. Ngày 17/12/2010, phát điện tổ máy số 1 lên lưới điện quốc gia.

Ngày 21/4/2011: Đúng 11 giờ 10 phút ngày 12-4, Tổ máy số 2 thủy điện Sơn La đã chính thức khởi động không tải, theo đó, các thông số ban đầu cho thấy: độ đảo, độ rung, nhiệt độ…của các thiết bị nằm trong giới hạn cho phép. Sau đó, các đơn vị thi công tiến hành thực hiện các thí nghiệm hiệu chỉnh khác. Phát điện tổ máy số 2 lên lưới điện quốc gia.

Ngày 25/8/2011: Phát điện tổ máy số 3 lên lưới điện quốc gia.

Ngày 19/12/2011: Phát điện tổ máy số 4 lên lưới điện quốc gia.

Ngày 28/4/2012: Đúng 8 giờ 3 phút ngày 28/4, tổ máy số 5 (công suất 400MW) Nhà máy Thủy điện Sơn La đã khởi động chạy không tải thành công, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Phát điện tổ máy số 5 lên lưới điện quốc gia.

Ngày 26/9/2012: Tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La, đã được khởi động không tải vào lúc 9 giờ ngày 23/9, sớm hơn dự kiến 1 ngày và các đơn vị thi công đang hoàn tất công việc cuối cùng để sẵn sàng cho tổ máy này phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 27/9.

Như vậy, Dự án Thủy điện Sơn La đã hoàn thành các hạng mục công trình chính và lắp đặt các thiết bị cơ khí thủy công đáp ứng tiến độ. Công tác thu dọn lòng hồ và công tác bảo tồn, phát huy các di sản lòng hồ đã hoàn thành trước khi tích nước hồ chứa.

Tổ máy 6 (tổ máy cuối cùng) của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa thành công vào điện lưới Quốc gia, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến.

Tháng 12/2012: Hoàn thành toàn bộ nhà máy (vượt tiến độ Quốc hội phê duyệt 3 năm).

Thủy điện Sơn La trở thành công trình lớn nhất Việt Nam, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là sản phẩm của bàn tay, khối óc, kết tinh trí tuệ, sáng tạo của Việt Nam.

Dự án Thủy điện Sơn La là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau Thủy điện Lai Châu khởi công ngày 22/12/2010 và là bậc trên của Thủy điện Hòa Bình). Công trình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện thuộc tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện là Ban QLDA NMTĐ Sơn La.

Nhiệm vụ chính của Dự án: Cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW); sản lượng điện trung bình hằng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Dự án Thủy điện Sơn La gồm ba hợp phần
: Dự án xây dựng công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư (các hạng mục chính gồm: Đập dâng, đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, hệ thống truyền tải đấu nối vào lưới điện quốc gia); Dự án di dân tái định canh, định cư do Ủy ban Nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm chủ đầu tư; Dự án các công trình giao thông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Kiên Trung