Đặc biệt, huyện Quỳnh Phụ vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với mục tiêu đề ra, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo.

Một trong những điểm sáng ở Quỳnh phụ là Trường Mầm non An Bài, thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ), một trong hai đơn vị đạt chuẩn quốc gia đầu tiên bậc mầm non của tỉnh Thái Bình từ năm 2003.

{keywords}
Những điểm sáng nông thôn mới ở Quỳnh Phụ cần được nhân rộng.

Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005 và nhiều năm liền dẫn đầu bậc mầm non toàn tỉnh. Trường đã được đầu tư hơn 43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên tổng diện tích hơn 16.000 m2. Theo định hướng đến năm 2030, trường có khả năng tiếp nhận, nuôi dạy, chăm sóc từ 800 đến 1.000 học sinh.

Bên cạnh đó còn là cánh đồng trồng rau sạch, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) với thế mạnh là sản xuất các loại rau màu, cây gia vị phục vụ tiêu dùng. Cánh đồng có diện tích 120 ha. Người dân nơi đây có kinh nghiệm thâm canh rau màu, xen canh gối vụ với hiệu suất quay vòng sản xuất ít nhất 6 vụ/năm, cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Mỗi năm, nông dân luân canh trồng ba lứa hành hoa, cần tây, tỏi tây và ba lứa su hào, cải bắp… Đặc biệt, nông dân Quỳnh Hải đã sáng tạo ra “nhà của rau", sử dụng vòm che chắn với lưới đen che bên dưới, phủ ni-lông bên trên, khắc phục được thời tiết khắc nghiệt để trồng được những cây gia vị trái vụ mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống của bà con.

Để có được những thành tựu này là nhờ huyện Quỳnh phụ đã tập trung khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới để huy động sức dân, coi người dân là chủ thể, là người hưởng thụ những thành quả xây dựng nông thôn mới.

Bài: Nguyễn Hoài Bắc - nhóm PV
Ảnh: Đặng Hoài Thanh - nhóm PV