- Khi Thủy điện Sơn La khánh thành, rất ít người biết rằng, đó là thành quả của hành trình gần bốn thập kỷ kể từ ngày các chuyên gia tiến hành những cuộc khảo sát về tiềm năng thủy điện trên dòng sông hung dữ bậc nhất vùng Tây Bắc. Điều đó đồng nghĩa, việc chinh phục sông Đà đã nằm trong một lộ trình…

Hành trình bốn thập kỷ

Không phải đến thời điểm ngày 29/6/2001 khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà mày thủy điện Sơn La tại bậc thang thủy điện thứ 2 trên dòng sông Đà, công trình thế kỷ này mới được “khai sinh”.

Trước đó gần 30 năm, những chuyên gia thủy điện đã đặt bước chân đầu tiên lên thăm dò, khảo sát.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đang lưu giữ rất nhiều hình ảnh, thông tin quý giá… về những cuộc thăm dò, khảo sát mang tính đột phá này.

Ngay từ thời điểm tháng 11/1975, những chuyến đi khảo sát chính thức đầu tiên trên dòng sông Đà phục vụ công trình Thủy điện Sơn La đã được thực hiện.

Đoàn khảo sát tiến hành thăm dò tiềm năng thủy điện trên dòng sông Đà từ thời điểm tháng 11/1975 để chuẩn bị cho dự án thủy điện Sơn La sau này. (ảnh tư liệu của EVN).

Theo kế hoạch, dự án Thủy điện Sơn La sẽ là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà, thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Hơn 25 năm sau, ngày 29/6/2001, dự án Thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tháng 12/2002, Báo cáo nghiên cứu khả thi thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI. Phương án xây dựng công trình cũng được Quốc hội thông qua.

Ngày 23/12/2012, Thủy điện Sơn La hòa lưới quốc gia. Gần 40 năm kể từ ngày tiến hành khảo sát, thăm dò, “công trình thế kỷ” đã hiện hữu đánh dấu chặng đường 37 năm chung sức, chung tay của hàng triệu khối óc, trái tim…

Khảo sát thăm dò tiềm năng thủy điện sông Đà (Ảnh: EVN).
 

Trong niềm vui chung ngày công trình trọng điểm cán đích sớm, với những hiệu quả kinh tế, xã hội do công trình mang lại, vẫn không ít người nặng lòng về những giá trị văn hóa, tinh thần của một vùng miền đã phải hy sinh để nhường đất cho lòng hồ, vấn đề về an toàn của hệ thống đập trong trường hợp động đất, khi mà Sông Tranh II đang gây nhiều lo lắng cho một bộ phận không nhỏ dân cư quanh nhà máy...

Câu chuyện này cũng từng gây tranh cãi khiến Chính phủ, Quốc hội phải “nâng lên đặt xuống” trước khi thông qua chủ trương phương án triển khai xây dựng công trình.

Thông tin trên báo chí, PGS-TS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đã lạc quan dự báo: kịch bản động đất ở Sơn La sẽ không xảy ra như ở Sông Tranh 2.

Cùng với đó, thông tin từ Hội đồng Nghiệm thu nhà nước: các công trình xây dựng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Sơn La đã được 2 đơn vị tư vấn có kinh nghiệm (Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty Tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) thẩm tra điều kiện địa chất công trình, thiết kế kết cấu thân đập, thiết kế thủy lực, đánh giá vật liệu bê tông đầm lăn...

Về thiết kế kháng chấn, đơn vị tư vấn thiết kế đã sử dụng số liệu động đất cấp 9 ứng với chu kỳ lặp 10.000 năm để tính toán.

Cũng theo ông Triều: động đất năm 1983 ở gần khu vực dự kiến xây Sơn La khiến công trình lớn nhất Đông Nam Á đặc biệt lưu tâm về vấn đề an toàn đập thủy điện trước khởi công. Tuy nhiên, các nguy cơ có thể được cảnh báo sớm nhờ Sơn La ngày nay đã lắp đặt hệ thống quan trắc từ trước.

Khi vấn đề về an toàn cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã được “giải tỏa”, vấn đề bảo tồn di tích văn hòa vùng lòng hồ cũng đã có phương án.

Tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, các khu bảo tồn di tích văn hóa vùng lòng hồ cũng được xây dựng. Sau khi hoàn thành, những công trình này được bàn giao lại Bảo tàng các tỉnh quản lý, khai thác sử dụng nhằm phục vụ công tác bảo tồn những giá trị tinh thần vùng lòng hồ - những nơi đã nằm ở dưới mực nước hơn 200 mét.

Tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.
 

Tại Lai Châu, trong số quần thể di tích cần bảo tồn, bia Lê Lợi nằm trên vách núi dựng đứng ven sông Đà thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ cạnh dinh thực "vua Thái" Đèo Văn Long là dự án trọng điểm cần được di dời để bảo tồn.

Sau khi thuỷ điện Sơn La tiến hành ngăn dòng dâng nước, bia Lê Lợi nằm dưới cốt nước tới 10m. Dự án di chuyển, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử bia Lê Lợi sẽ đưa di tích lịch sử này lên trên mực nước, song lại không quá xa vị trí cũ để giữ lại không gian, tôn trọng lịch sử.

Việc tiến hành dự án bao gồm bóc tách và dịch chuyển tấm bia cũ có kích thước cần di dời 2.300 cm x 2.300 cm, chiều rộng 1.000 cm đưa lên vị trí mới.

Thời điểm nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, về cơ bản tất cả các hạng mục công trình bảo tồn văn hóa vùng lòng hồ đã được hoàn thành. Tại Sơn La, nhà trưng bày di sản vùng lòng hồ được xây dựng ngay chân cầu vào huyện lỵ Mường La, cách thủy điện Sơn La chừng 2km.

Ngoài ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của mảnh đất Tây Bắc, nó còn góp phần tôn vinh chính công trình nhà máy thủy điện Sơn La – công trình của sự gắn kết chung tay, và cả sự hy sinh của những bản làng đến nơi ở mới nhường đất cho lòng hồ.

Người gắn tên với những dòng sông

Trong những chuyến công tác Tây Bắc, một người đàn ông lớn tuổi mà tôi thường xuyên gặp, và thường xuyên được nghe người ta nhắc đến trong các câu chuyện, đó là ông Thái Phụng Nê – đặc phái viên được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nằm trong Ban giám sát thi công xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.  

Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La - Ảnh: Kiên Trung
 

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện, “lý lịch” của ông gắn với tên của những dự án thủy điện lớn: 7 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, 3 năm ở Yaly rồi Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, nay là thủy điện Sơn La; đã từng trải qua nhiều vị trí quan trọng khác nhau, từ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Bí thư tỉnh uỷ Phú Yên, đến tuổi 65 tưởng được nghỉ hưu thì ông lại được mời ra làm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ chuyên theo dõi Thủy điện Sơn La.

Ông đã tham mưu cho Chính phủ sử dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, di dân tái định cư giải phóng lòng hồ. Cơ chế này cũng cho phép chia thiết kế kỹ thuật làm nhiều giai đoạn, nhờ đó, năm 2005 duyệt thiết kế giai đoạn 1 để đào móng, đến cuối năm 2006 mới duyệt thiết kế giai đoạn 2 thì móng đã chuẩn bị xong…

Cắt giải lý do thủy điện Sơn La “cán đích” trước thời hạn, Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo nhà nước các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu, ông Thái Phụng Nê đã đúc rút ở các yếu tố: thứ nhất, là yếu tố thiết kế kỹ thuật do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 - tư vấn chính của dự án.

Thiết kế kỹ thuật được tiến hành trong 3 năm (2004 - 2006). Trong thời gian đó, tư vấn thiết kế đã đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo có giá trị kinh tế, đặc biệt tạo điều kiện giảm thời gian xây dựng so với quy định tại quyết định đầu tư.

Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được xem xét công phu để luận chứng các cơ sở kinh tế - kỹ thuật trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Chính phủ ban hành quyết định đầu tư;

Ông Thái Phụng Nê- Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó ban chỉ đạo Nhà nước các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu (thứ tư, từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong Lễ khánh thành Thủy điện Sơn La - Ảnh: Kiên Trung
 

Thứ hai, là Tổ hợp nhà thầu xây lắp do Tổng công ty Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà – tổng thầu; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) là các nhà thầu phụ.

Các nhà thầu này đều là những đơn vị thi công thủy điện năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm. Họ ra quân vào cuối năm 2003 để triển khai xây dựng mặt bằng công trường và đồng thời tận dụng thời gian chuẩn bị công trường 2 năm (2004-2005) để thi công các công trình dẫn dòng khi nhận được thiết kế.

Họ làm nên một sự kiện chưa từng có: Lễ khởi công đồng thời là Lễ ngăn sông ngày 2/12/2005, ngăn sông sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của quyết định đầu tư.

Thứ ba là yếu tố chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện là Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La đã thực hiện tốt điều hành - điều độ trên công trường. Ngoài ra, theo ông Nê, sự phối hợp giữa UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu - chủ đầu tư của các dự án thành phần về di dân, tái định cư (TĐC); Bộ Giao thông vận tải - Chủ đầu tư của dự án thành phần các công trình giao thông tránh ngập đã chỉ đạo các đơn vị giao thông hoàn thành đúng hạn cầu Pa-Uôn và đoạn tránh ngập quốc lộ 279; cầu mới Hang Tôm và đoạn tránh ngập của quốc lộ 12… có ý nghĩa quan trọng trong việc phối kết hợp với chủ đầu tư để hoàn thành thi công xây dựng công trình.

Sắp bước sang tuổi 80, phái viên Thủ tướng Chính phủ Thái Phụng Nê vẫn giữ được sự tinh anh, minh mẫn đến lạ thường. Trong gần 7 năm xây dựng nhà máy, anh em công nhân trên công trường không còn xa lạ hình ảnh người đàn ông lớn tuổi dáng nhỏ bé nhưng khỏe mạnh, linh hoạt thường xuyên có mặt ở bất cứ điểm nào của công trường, bất kể thời gian sớm tối…

Trưởng BQLDA nhà máy thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Hồng Hà khi kể về ông Thái Phụng Nê không giấu niềm tự hào, kính trọng: “Đó là người anh cả của công trường, cụ có mặt ở bất kỳ “điểm nóng” nào để cùng anh em trong ban điều hành đưa ra những ý kiến xử lý… Sự tận tụy, trách nhiệm của cụ đã động viên, khích lệ rất lớn tinh thần của anh em trong Ban, của công nhân trực tiếp thi công xây dựng trên công trường…”.

Ngày 23/12/2012, trong ngày khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, ông Thái Phụng Nê đã vinh dự thay mặt 57 cán bộ, đơn vị, cá nhân lên nhận huân chương Lao động do Chủ tịch nước ký tặng và bằng khen do Thủ tướng Chính phủ ký để vinh danh những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.

Trong ngày hội của Mường La, niềm xúc động, hạnh phúc không giấu được trên gương mặt của ông – người gắn liền với tên những dòng sông, những dự án thủy điện lớn của đất nước, trong đó có thêm một công trình mới – Thủy điện Sơn La.

Kiên Trung