- Liệt sỹ Bùi Thị Cúc tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Khi bị bắt, chúng tra tấn dã man, dùng dao rạch lên mình chị từng vết theo hình quả trám. Những nỗi đau, những chiến công trong cuộc đời chị được lưu giữ trong bảo tàng CAND sau những hiện vật giản dị, nhưng đầy ám ảnh...

>> XEM CÁC HIỆN VẬT ĐANG TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG

Bảo tàng CAND đang trưng bày hơn 1.700 hiện vật. Mỗi hiện vật đi kèm một câu chuyện về lịch sử, về những chiến công chói loà, sự hy sinh anh dũng và những câu chuyện đầy ý nghĩa giáo dục.

Mảnh vải đen và anh hùng 16 tuổi

Nằm lặng lẽ ở một góc nhỏ của bảo tàng CAND (phố Trần Bình Trọng, Hà Nội) là một mảnh vải màu xanh tím than, màu đã bạc theo thời gian. Ít ai ngờ rằng, mảnh vải cũ kỹ này lại là vật dùng để bịt mắt chị Võ Thị Sáu tại pháp trường Hàng Dương, Côn Đảo.

Đằng sau nó là câu chuyện đầy bi thương về người con gái đã đi vào lịch sử Việt Nam.

14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng, 16 tuổi chị dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên giặc và bị địch bắt, giam tại khám Chí Hòa. Kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn khiến chị chết đi sống lại nhiều lần.

{keywords}
Mảnh vải bịt mắt Võ Thị Sáu tại pháp trường Hàng Dương, Côn Đảo

Mặc dù Võ Thị Sáu chưa đến tuổi thành niên, thực dân Pháp vẫn đưa ra tòa xét xử và kết án tử hình.

Chúng đày chị ra Côn Đảo chờ ngày đủ tuổi để thi hành bản án. Đêm 22/1/1952, Võ Thị Sáu được kết nạp Đảng thì sáng 23/1, chị bị đưa ra pháp trường xử bắn.

Mảnh vải bịt mắt nữ anh hùng do một cán bộ là tù nhân chính trị tại Côn Đảo tên Phong Giao giữ được và mang về miền Bắc, đưa viện Bảo tàng năm 1959.

Cuộc đời của liệt sỹ Bùi Thị Cúc (SN 1930, Ân Thi, Hưng Yên) cũng là một câu chuyện đẹp. Trong kế hoạch diệt trừ việt gian, chị được lựa chọn đóng vai người buôn bán ở chợ Cảnh Lâm.

Chị chịu đựng biết bao dị nghị của gia đình và dân làng khi tìm cách làm thân và đóng vai người yêu của tên quan ba Nguyễn Doãn Nhi để khai thác tin tức.

Theo kế hoạch do Tổ chức Công an vạch ra, Bùi Thị Cúc đã “mời” tên Nhi xuống nhà chơi bàn công việc “cưới hỏi”. Không mảy may nghi ngờ, hắn nghe lời "vợ chưa cưới" đến nhà chị. Kết quả, tên quan ba đã phải đền tội.

Sau sự việc đó, địch điên cuồng tàn sát những người dân vô tội, chúng cho lùa dân làng Vân Mạc về giam dưới hầm, không cho ăn, uống. Một tên chỉ điểm đã khai nơi lẩn trốn của chị Cúc nên bọn giặc bắt được chị. Chúng tra tấn dã man, dùng dao rạch lên mình chị từng vết theo hình quả trám.

Trong số những người bị giặc bắt, ngoài hàng chục người dân vô tội, còn có một số cán bộ cách mạng là nòng cốt trong phong trào ở Hưng Yên. Để bảo vệ đồng đội, chị đã tự nhận mình là người đã giết chết tên Nhi.

Hộp phấn của nữ điệp viên

Bảo tàng CAND cũng dành một góc nhỏ lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động của bà Ngô Thị Huệ (SN 1942, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Năm 1959, bà Huệ nhận nhiệm vụ móc nối với những người có tấm lòng với cách mạng ở trong hàng ngũ địch, từ đó phát hiện ra vị trí địch cài mìn, lựu đạn giúp Đội Công tác vào ra ấp chiến lược để vận động quần chúng được an toàn tuyệt đối.

Trong số hiện vật, gây chú ý là một hộp đựng phấn trang điểm màu đỏ. Với chiếc hộp phấn này, khi đang đi trên đường, nếu phát hiện được địch ở xa, muốn theo dõi chúng, bà thường dừng lại và lấy hộp phấn ra sử dụng. Một bên hộp đựng phấn hóa trang, một hộp bên đựng gương soi.

Ngô Thị Huệ giả vờ đánh phấn nhưng thực chất là dùng gương để theo dõi bọn địch ở phía sau rồi tìm phương án để đối phó.

{keywords}
Túi xách của Anh hùng Ngô Thị Huệ

Nữ chiến sĩ này cũng mang kính râm như một vật bất ly thân, bởi khi đeo lên mắt sẽ có tác dụng làm thay đổi hình dạng khuôn mặt khiến đối phương khó phát hiện.

Bà Huệ cũng thường đóng trong vai nữ sinh viên đi trên đường phố hoặc vợ của lính bằng những bộ áo dài truyền thống, trẻ trung. Nhờ có cách cải trang này, bà giữ được bí mật trong công tác hoạt động tình báo.

Ngoài ra, chị cũng thường dùng chiếc túi xách màu đen có 5 ngăn chính, đó là những ngăn lộ rõ và dễ thấy. Ở lớp vải bạt lót sát lớp nhựa giả da của túi là những “ngăn bí mật” bà Huệ đã sử dụng để cất tài liệu trong công tác hoạt động tình báo, đồng thời, chiếc gương nhỏ gắn ở mặt trong của nắp túi, giúp nữ anh hùng theo dõi hành động của bọn địch mỗi khi chúng bắt chị dừng lại, kiểm tra.

Tờ tiền thấm máu và chiếc mũ sắt in vết đạn

Đó là tờ 10.000 đồng, số hiệu DF1598519 của cảnh sát Lê Thanh Á với hai mặt thấm máu loang lổ. Theo tài liệu, chiều 26/3/1997, trên đường làm nhiệm vụ, anh Lê Thanh Á phát hiện tên Lê Đức Quang, đối tượng hình sự đang có lệnh truy nã toàn quốc.

Anh Á đã thuyết phục tên Quang nên tự ra đầu thú nhưng y cự tuyệt và chống trả quyết liệt. Trong lúc vật lộn, y bất ngờ rút lê đâm tới tấp vào người anh Lê Thanh Á khiến anh đuối sức gục xuống.

Trước lúc hy sinh, anh Lê Thanh Á vẫn hướng cho nhân dân biết hướng truy kích tên tội phạm và báo cho công an phường. Lúc này, trong túi ngực phía bên trái áo sơ mi của Lê Thanh Á có 12.000 đồng. Những tờ tiền này giờ máu đã thấm đỏ...

Trong chiến tranh, có rất nhiều những tấm gương chiến đấu quên mình để bảo vệ Thủ đô. Ngày 11/5/1967 một loạt bom đã dội thẳng vào cầu Long Biên, anh Trần Ẩn, chiến sĩ đội PCCC Công an HN, đã không rời vị trí quyết tâm bám chốt, bảo vệ cầu.

Khi đoàn xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua cầu bị trúng đạn pháo của địch bốc cháy, anh lao lên cố gắng dập tắt đám cháy để cứu hàng hóa và vũ khí đạn dược trên xe, không để lửa lan ra các xe khác trong đoàn. Trong khi đang làm nhiệm vụ, anh Ẩn đã bị trúng đạn pháo của địch và hy sinh.

Đã gần 50 năm kể từ ngày ấy, chiếc mũ sắt in vết đạn vẫn ở đây kể tiếp cho các thế hệ hôm nay và mai sau về những người thanh niên đã dâng trọn tuổi xuân và cuộc đời mình cho mảnh đất Thủ đô.

>> XEM CÁC HIỆN VẬT ĐANG TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG 

Thu hút khách đến bảo tàng ngày càng đông hơn

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, ngày 12/8 vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức Lễ khánh thành cải tạo, nâng cấp Bảo tàng CAND và gắn biển công trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND. 

Được biết, sau hơn 1 năm tiến hành công tác xây dựng và cải tạo, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bảo tàng CAND đã được cải tiến, diện tích trưng bày được mở rộng lên tới gần 1.100m2, số hiện vật trưng bày hiện nay đã lên tới hơn 1.700 hiện vật.

"Bảo tàng CAND đã thực sự trở thành cầu nối giữa lịch sử và hiện tại, góp phần quan trọng tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng của lực lượng CAND qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Yêu cầu Bảo tàng CAND tăng cường công tác quản lý, tổ chức tốt các hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập tài liệu, hiện vật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hấp dẫn sinh động, nhằm thu hút khách tham quan đến bảo tàng ngày càng đông hơn" - Thượng tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an.

Ít ai biết, vị trí của Bảo tàng CAND ngày hôm nay chính là địa điểm Nha Công an Việt Nam đóng quân những ngày đầu mới thành lập, là trụ sở của Bộ Công an sau hòa bình lập lại năm 1954.

Đặc biệt, nơi đây lực lượng công an đã vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Sau hơn 15 năm hoạt động, Bảo tàng CAND ở số 1 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội đã đón hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sỹ Công an và khách tham quan trong, ngoài nước.

N.Trang